6 kỹ năng quan trọng chăm sóc trẻ trong 30 ngày đầu sau sinh mẹ nào cũng cần nằm lòng

( PHUNUTODAY ) - 6 kỹ năng quan trọng chăm sóc trẻ trong 30 ngày đầu sau sinh mẹ nào cũng cần nằm lòng để khỏi bỡ ngỡ và an toàn cho con.

Ngày đầu tiên đón bé chào đời sẽ mang lại cho bạn rất nhiều cảm xúc mới lạ. Trong tuần đầu tiên, bé sơ sinh có rất nhiều điểm đặc biệt mà bạn phải lưu tâm.

Đối với nhiều bà mẹ, bé sinh ra chính là thời điểm mà họ thấy mình được nhẹ nhõm, yên bình nhất. Họ sẽ có cảm giác như mình rất phi thường vì đã vừa trải qua một quá trình vượt cạn khó khăn.

Tùy từng bệnh viện mà bạn sẽ được tiếp cận em bé của mình theo những cách thức khác nhau, có nơi các y bác sĩ sẽ đặt em bé lên ngực bạn, họ cho rằng việc tiếp xúc này sẽ khiến bé có được cảm giác an toàn, ấm áp, là sợi chỉ liên kết với mẹ đầu tiên khi bé chào đời.

Cách chăm sóc trẻ mới sinh

1/ Bế em bé mới sinh

Lần đầu làm mẹ, nhiều chị em còn lóng ngóng, vụng về, chưa biết bế con thế nào cho đúng. Có người còn không dám bế con vì sợ tuột tay hoặc làm con đau. Mẹ cần học cách bế bé đúng tư thế để bé thoải mái mà mẹ không bị căng thẳng. Mẹ nâng đầu và cổ bé. Một tay đặt trên đầu bé, một tay đỡ mông con. Mẹ nên bế bé gần ngực mình để giữ an toàn cho bé và cho con cảm giác được bảo vệ. Nên tránh chạm vào vùng thóp của bé vì lúc này thóp con còn mềm, rất dễ tổn thương.

2/ Cho bé bú

Khi cho bé bú, mẹ cần đảm bảo đúng tư thế để con được thoải mái, có thể bú no mà mẹ cũng không phải căng thẳng, mệt mỏi, mất sức. Mẹ nên ngồi ở tư thế thư giãn, bế con bằng 2 tay sao cho mặt bé đối diện ngực mẹ, đầu và thân thẳng hàng. Mẹ áp sát bé vào người, bụng bé sát bụng mẹ và cằm bé chạm vào ngực mẹ. Cho bé ngầm hết quầng ngực để bé có thể mút dễ dàng hơn. Mẹ nên cho bé bú một bên vú rồi chuyển qua vú còn lại để bé được bú cả sữa đầu và sữa cuối. Có 5 tư thế cho bé bú vừa giúp con ngậm ti đúng cách lại giúp mẹ thoải mái các mẹ cần tham khảo. Đó là các tư thế như: bế con dưới cánh tay mẹ, cho bé nằm song song với mẹ, giữ em bé trên đùi mẹ và hỗ trợ bằng cánh tay cùng chiều với bên bầu ngực bé bú, giữ bé trên đùi mẹ và dùng cánh tay đối diện để nâng bé, cho bú song sinh (cho những mẹ sinh đôi).

3/ Cho bé ngủ

Sau khi ra khỏi bụng mẹ, bé sẽ phải làm quen với môi trường bên ngoài. Mẹ nên tập cho bé phân biệt ngày và đêm và luyện cho bé ngủ xuyên đêm vì giấc ngủ rất quan trọng với sự phát triển trí não và thể chất của bé. Vào ban ngày, mẹ cho bé ở trong căn phòng sáng sủa, thoáng mát và không cần tắt hết các thiết bị gây ồn như tiếng tivi, máy giặt... Vào ban đêm, mẹ nên cho con nằm trong phòng tối, yên tĩnh để bé biết đã đến giờ đi ngủ. Mẹ tránh âu yếm, nựng nịu hay nói chuyện với bé khi bé chuẩn bị đi vào giấc ngủ.

4/ Giúp bé ợ hơi

Sau khi cho bé bú, mẹ cần vỗ lưng giúp bé ợ hơi để giúp làm thải hết các khí thừa trong dạ dày bé, làm bé dễ chịu, tránh tình trạng đầy bụng, nôn trớ. Mẹ bế đứng bé trên vai, sao cho người bé áp vào ngực mẹ, cằm bé dựa vào vai mẹ, đầu và cổ bé ngả vào vai mẹ, sau đó xoa nhẹ hoặc vỗ nhẹ vào lưng bé cho đến khi bé ợ hơi.

5/ Tắm cho bé

Mẹ cần học kỹ năng tắm bé. Sao cho giờ tắm là lúc bé thư giãn, thoải mái mà mẹ cũng không căng thẳng, áp lực. Mẹ nên dùng các loại xà bông dịu nhẹ dành cho trẻ sơ sinh để tắm gội cho bé. Với nước tắm, mẹ pha nước khoảng 37 độ C, cho khuỷu tay vào thử nước trước khi tắm bé, tránh tình trạng nước quá nóng làm bé bị bỏng. Khi bé chưa rụng rốn, mẹ chú ý không làm ướt rốn. Sau khi con đã rụng rốn mẹ có thể cho bé nằm ngập trong chậu. Mẹ cần chuẩn bị khăn lau, dung dịch vệ sinh mắt và mũi cho bé, phấn thơm, quần áo… trước khi tắm bé. Tuyệt đối không để bé một mình trong chậu.

6/ Thay tã

Thay tã cho bé cũng là kỹ năng chăm con quan trọng với những người lần đầu làm mẹ. Khi bé mới sinh, rốn còn chưa rụng, lúc thay tã, mẹ chú ý không để tã chạm hoạc đè lên cuống rốn con. Mẹ cần vệ sinh cho bé từ trước ra sau, để tránh làm nhiễm khuẩn vùng sinh dục của con, đặc biệt là với bé gái. Mẹ cần lau khô cho bé trước khi mặc tã. Nên kiểm tra tã con thường xuyên, không để bé bị ướt tã quá lâu hoặc đóng tã quá chặt làm bé bị hăm tã, viêm da. Khi thấy bé có dấu hiệu bị hăm, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng loại kem chống hăm phù hợp cho bé. Thời gian này mẹ có thể cho con ngưng dùng tã để tình trạng hăm không bị nặng thêm.

Chăm sóc người mẹ

Người mẹ có khỏe thì em bé cũng mới khỏe mạnh. Do đó trong tuần đầu tiên, thậm chí cả vài tuần sau, việc tự chăm sóc bản thân cho mình là rất quan trọng. Điều này có nghĩa là bạn cần cố gắng ngủ khi bé ngủ, điều này sẽ giúp bạn thích nghi nhanh với sự có mặt của nhân vật mới trong nhà. Các chuyên gia y tế khuyên bạn nên uống thật nhiều nước và thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh. Điều này vừa giúp bạn nhanh chóng phục hồi sức khỏe cho cơ thể mình, vừa giúp bạn có được một nguồn sữa mẹ dồi dào cho bé.

Tác giả: Ngọc Lê