Từ một quốc gia có 95% dân số mù chữ, trải qua 78 năm với nhiều nỗ lực, nền giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Theo công bố mới nhất, có 6 trường đại học của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới 2024.
Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học lọt bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2024
THE (Times Higher Education) là một trong những tổ chức xếp hạng đại học có uy tín và ảnh hưởng lớn nhất thế giới, bên cạnh các tổ chức xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS) và Shanghai Academic Ranking of World Universities (ARWU).
Theo công bố mới nhất của Times Higher Education (THE), Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học lọt bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2024. Bao gồm:
+ Trường Đại học Duy Tân,
+ Trường Đại học Tôn Đức Thắng,
+ Đại học Quốc gia Hà Nội,
+ Đại học Quốc gia TP. HCM,
+ Đại học Bách khoa Hà Nội,
+ Đại học Huế.
Theo kết quả được công bố, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) được xếp hạng ở nhóm 1201-1500 trong số 1904 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng.
Bảng xếp hạng THE 2024 xếp hạng 1.904 cơ sở giáo dục đại học đến từ 108 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm nay, THE sử dụng phương pháp xếp hạng WUR 3.0, trong đó trọng số một số tiêu chí được điều chỉnh so với THE 2023.
10 trường đại học tốt nhất được THE xếp hạng gồm: Đại học Oxford (Anh), Đại học Stanford (Mỹ), Viện Công nghệ Massachusett (Mỹ), Đại học Harvard (Mỹ), Đại học Cambridge (Anh), Đại học Princeton (Mỹ), Viện Công nghệ California (Mỹ), Đại học Hoàng gia London (Anh), Đại học California-Berkeley (Mỹ) và Đại học Yale (Mỹ).
Ngoài bảng xếp hạng các đại học tốt nhất thế giới (World University Rankings), THE còn phát triển các bảng xếp hạng dành riêng cho từng khu vực như: Bảng xếp hạng đại học châu Á (Asia University Rankings), Bảng xếp hạng các đại học trẻ (Young University Rankings), Bảng xếp hạng đại học châu Mỹ Latinh (Latin America Rankings).
Trước đó, ngày 3/7/2023,Times Higher Education công bố kết quả xếp hạng những đại học trẻ tốt nhất thế giới Young University Rankings 2023 (THE Young UR 2023). Đây là bảng xếp hạng riêng các đại học tốt nhất dưới 50 tuổi trong bối cảnh giáo dục toàn cầu mở rộng quy mô và tập trung đầu tư vào nghiên cứu.
Tại kỳ xếp hạng này, ĐHQGHN tiếp tục được đánh giá cao nhất ở tiêu chí Giảng dạy (Teaching) với 23.7 điểm; đây là năm thứ 3 liên tiếp ĐHQGHN duy trì vị trí dẫn đầu ở Việt Nam trong tiêu chí Giảng dạy trên bảng xếp hạng THE Young UR.
Những hạn chế của giáo dục đại học tại Việt Nam
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, giáo dục đại học Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Nhìn chung, giáo dục đại học vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới.
Thứ nhất, các trường đại học ở Việt Nam thường được tổ chức theo hệ thống đại học chuyên ngành, như Đại học Thủy lợi, Đại học Y, Đại học Dược, Đại học Kinh tế tài chính, Đại học Ngoại thương... Mặc dù đã bắt đầu mở đa ngành, nhưng về cơ bản, đây vẫn là đại học chuyên ngành. Chương trình giáo dục vẫn “nặng” về lý thuyết, “nhẹ” về thực hành và vận dụng kiến thức.
Thứ hai, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thiếu sự gắn kết với thị trường lao động. Hiện nay, nhiều trường đại học mới chỉ cung cấp những gì mình có, chứ chưa phải những gì xã hội cần. Đó là một trong những lý do khiến năm 2020, Việt Nam có 225.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ tốt nghiệp ra trường nhưng chưa tìm được việc làm, hoặc chấp nhận làm không đúng nghề nghiệp được đào tạo, gây ra một sự lãng phí rất lớn. Theo kết quả khảo sát tại 60 doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh về “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng của sinh viên được đào tạo trong năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp” (bộ tiêu chí để đánh giá là kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, trình độ ngoại ngữ, tác phong làm việc và kỹ năng nghề nghiệp), chỉ có 5% tổng số sinh viên tham gia khảo sát được đánh giá ở mức độ tốt, 15% ở mức khá, 30% ở mức độ trung bình và 40% ở mức độ không đạt.
Thứ ba, về phương pháp và hình thức dạy học, nhiều trường đại học chưa tiếp cận phương pháp “lấy người học làm trung tâm”, người thầy vẫn đóng vai trò chủ đạo, người học vẫn rất thụ động và sự tương tác giữa thầy và trò không nhiều. Tình trạng “quá tải” về kiến thức và thay đổi giáo trình liên tục cũng là hậu quả của cách dạy thiên về cung cấp kiến thức cụ thể, trong khi những kiến thức này không ngừng được bổ sung.
Thứ tư, giáo dục đại học Việt Nam tương đối “khép kín”, chưa tạo được sự liên thông giữa các chuẩn mực giáo dục đại học trong nước và quốc tế. Ngay cả trong nước, mặc dù được đặt dưới sự quản lý chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng trên thực tế khả năng liên thông kiến thức giữa các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn hạn chế. Các trường đại học và các chuyên ngành ít thừa nhận kết quả đào tạo của nhau nên người học gặp nhiều khó khăn khi chuyển trường, chuyển ngành học.
Thứ năm, dù đã có chuyển biến trong thời gian gần đây nhưng số lượng các công bố quốc tế của các trường đại học ở Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều nước trong khu vực. Cùng với xu thế hội nhập quốc tế, số lượng và chất lượng các công trình công bố trên các ấn phẩm khoa học quốc tế đã trở thành thước đo quan trọng về chất lượng giáo dục đại học ở các quốc gia. Việt Nam hiện có khoảng 9.000 giáo sư và phó giáo sư, 24.000 tiến sĩ và hơn 100.000 thạc sĩ, nhưng số lượng công bố quốc tế còn khá hạn chế, chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam cũng thấp hơn so với một số nước trong khu vực, như Thái Lan, Malaysia, Singapore...
Thứ sáu, tự chủ đại học dù đã trở thành chủ trương lớn nhưng việc phân định giữa quản lý nhà nước với hoạt động quản trị trong các trường đại học còn chưa rõ ràng. Vai trò của hội đồng nhà trường trong các trường đại học còn mờ nhạt; vai trò các cơ quan quản lý của Nhà nước vẫn còn rất lớn trong nhiều nội dung, hoạt động của nhà trường, như bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, biên chế, mức lương, định mức chi cho các nhiệm vụ khoa học...
Ngoài ra, những hạn chế của giáo dục đại học ở Việt Nam còn thể hiện qua một số vấn đề khác, như xu hướng thương mại hóa giáo dục, thiếu cơ sở vật chất, sự đãi ngộ chưa thỏa đáng đối với những người làm công tác giáo dục đại học.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Ngành học rất khát nhân lực, chưa ra trường đã được mời về làm, mức lương lên tới hơn 1,5 tỷ đồng/năm
-
9 trường đại học Việt Nam đạt tiêu chuẩn nước ngoài: Sinh viên ra đường dễ xin việc, lương cao
-
Hồng Ánh gây bất ngờ khi tiết lộ về cậu con trai nuôi có được từ khi đóng phim Trăng nơi đáy giếng
-
Có 1 kiểu phụ nữ, đàn ông lấy được về làm vợ hạnh phúc còn hơn có được cả giang sơn
-
7 nghề ở Việt Nam thu nhập cao, dễ kiếm việc mà không cần bằng Đại học