8 loại hoa không nên cắm trên bàn thờ ngày Tết Nhâm Dần: Đẹp nhưng xui xẻo, cái số 2 nhiều nhà phạm phải

( PHUNUTODAY ) - Những loại hoa này có thể đẹp nhưng lại mang ý nghĩa không tốt. Gia chủ tốt nhất nên tránh bày lên bàn thờ vào dịp Tết Nhâm Dần sắp tới.

Hoa cẩm tú cầu

Hoa cẩm tú cầu có vẻ đẹp khiến nhiều người mê đắm. Sự hòa trộn giữa màu sắc và hình dáng của cẩm tú cầu tạo nên sự bắt mắt, độc đáo. Tuy nhiên, loại hoa này lại mang một ý nghĩa buồn.

Ý nghĩa của cẩm tú cầu xuất phát từ một câu chuyện truyền thuyết của Nhật Bản. Câu chuyện này nói về một vị hoàng đế dùng bó hoa cẩm tú cầu để gửi lời xin lỗi đến gia đình của người con gái mà ông ta yêu thương.

Vì vậy, loài hoa này không được chuộng để bày lên bàn thờ ngày Tết. Ngoài ra, hoa cẩm tú cầu tuy đẹp nhưng cũng là một loài hoa có độc. Lá và củ của cây tú cầu có chứa chất hydragin-cyanogenic glycoside, ăn phải sẽ gây tiêu chảy, ói mửa, thở gấp... Nếu trồng hoặc bày cẩm tú cầu trong nhà thì gia đình cũng phải hết sức cẩn thận, đặc biệt là với nhà có trẻ nhỏ.

Hoa ly

Hoa ly là loài hoa rực rỡ, nhiều sắc màu, mùi hương quyến rũ tuy nhiên bạn không nên bày hoa này trên bàn thờ, đặc biệt là ngày Tết. Chữ ly trong tên của loài hoa này gợi nhắc tới sự chia ly, ly tán.

Việc có nên đặt hoa ly lên bàn thờ tổ tiên, thần linh hay không cũng tùy thuộc vào suy nghĩ và quan điểm của mỗi gia đình. Tuy nhiên nhiều người kiêng không đặt hoa này lên bàn thờ để tránh ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình và chỉ dùng loại hoa này để bày trong nhà.

Hoa phong lan

Hoa phong lan cũng là loại hoa được nhiều người lựa chọn để bày trong nhà, trang trí cho phòng khách, ban công. Tuy nhiên, chữ phong trong tên của loài hoa này được cho là thể hiện sự phong tình, phóng đáng, không phù hợp với những nơi tôn nghiêm như bàn thờ gia tiên, thần linh. Vì vậy, các gia đình cũng tránh bày loài hoa này ở nơi thờ cúng, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán.

Hoa cúc vạn thọ

Cúc vạn thọ có cái tên khá ý nghĩa nhưng cũng là loại hoa không nên bày lên bàn thờ. Nguyên nhân là do loài hoa này có mùi hương khá nồng, khó chịu. Hoa cúng nên có mùi thơm nhẹ nhàng, dễ chịu để tăng thêm phần trang trọng, thể hiện lòng thành của gia chủ đối với tổ tiên.

Hoa phù dung

Hoa phù dung sớm nở tối tàn, thay đổi màu sắc theo thời điểm trong ngày, từ trắng muốt sang hồng, đỏ rồi sậm dần và lùi tàn. Vì vậy, nó không phù hợp để bày lên bàn thờ.

Hoa đại (hoa sứ)

Loài hoa này có hương thơm, màu sắc trang nhã nhưng nhiều nhà văn hóa tâm linh cho rằng hoa sứ là nơi trú ngụ của ma quỷ, không phù hợp để bày lên bàn thờ gia tiên, thần linh.

Hoa nhài

Loài hoa này cũng có mùi thơm dễ chịu, sắc trắng tinh khiết, nhẹ nhàng nên được nhiều người yêu thích. Hoa nhài thường được dùng để ướp hương cho các loại trà nhưng nó không được ưa chuộng trong việc thờ cúng. Nguyên nhân là do loài hoa này thường gắn với những câu chuyện dân gian liên quan đến chuyện trai gái không đứng đắn.

Hoa dâm bụt

Gia dân bụt cũng có sắc đỏ rực rỡ của sự may mắn, tài lộc. Tuy nhiên, nó không phải là loại hoa nên bày trong nhà hay để lên bàn thờ ngày Tết. Nguyên nhân là do cái tên của loài hoa này không mang lại sự trang nghiêm, thành kính. Hơn nữa, từ xưa đến nay, hoa dâm bụt thường được trồng ở bờ rào nên được cho là có thể mang theo cả những thứ ô uế, bụi bẩn, không phù hợp để bày trong nhà dịp Tết.

* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

Tác giả: Thanh Huyền