Ăn lựu nuốt hạt hay bỏ hạt: Không phải ai cũng biết câu trả lời chính xác

( PHUNUTODAY ) - Quả lựu có hương vị thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Khi ăn lựu, một số người sẽ nhằn bỏ phần hạt, một số khác lại nhai cả hạt. Vậy cách nào tốt hơn?

Giá trị dinh dưỡng của quả lựu

Một quả lựu (khoảng 282 gram) có thể cung cấp 234 calo, 52,7 gram carbohydrate, 4,7 gram protein và 3,3 gram chất béo. Hạt lựu chứa nhiều chất xơ, giàu kali, magie, phốt pho, canxi.

Loại quả này cung cấp nhiều chất polyphenol có tác dung chống oxy hóa, chống viêm.

Ngoài phần hạt, bạn cũng có thể sử dụng phần vỏ lựu. Theo Đông y, vỏ lựu có vị chua, chát, tính ôn, có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Nghiên cứu của khoa học hiện đại chỉ ra rằng vỏ lựu chứa nhiều axit malic, tannin, alkaloids và nhiều thành phần khác. Phần vỏ có tác dụng kháng khuẩn, trị viêm rất tốt. Nó còn giúp điều trị tiêu chảy, kiết lỵ.

Lá của cây lựu có thể được dùng để trị tiêu hóa kém, một số bệnh đường ruột và các bệnh ngoài da.

Ăn lựu nuốt hạt hay bỏ hạt?

Như đã nói ở trên, lựu là loại trái cây có hương vị thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Quả này có hàm lượng calo và chất béo thấp, giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Nó có lượng vitamin C lớn hơn nhiều loại trái cây khác. Quả lựu còn cung cấp một lượng lớn các chất chống oxy hóa, các hợp chất polyphenolic. Bổ sung quả lựu vào chế độ ăn sẽ giúp ngăn ngừa chứng viêm mãn tính, hỗ trợ sức khỏe tim mạch, cải thiện tiêu hóa, ổn định huyết áp, giảm cholesterol, làm chậm sự phát triển của các tế bào K.

Bên trong quả lựu có rất nhiều hạt nhỏ. Mỗi hạt sẽ có phần thịt mọng nước bên ngoài, bên trong là phần hạt cứng. Một số người ăn lựu sẽ nhai cả phần hạt, một số khác sẽ nhằn bỏ hạt cứng ra. Vậy cách nào mới đúng?

Trên thực tế, hạt lựu (phần hạt cứng) có giá trị dinh dưỡng khá cao. Nó cung cấp chất xơ, chất chống oxy hóa, axit punicic. Nghiên cứu trên động vật cho thấy axit punicic có tác dụng chống viêm.

Do phần hạt lựu khá cứng nên nếu nuốt trực tiếp mà không nhai kỹ thì sẽ làm tăng nguy cơ tắc nghẽn đường ruột, gây táo bón.

Phụ huynh cần hạn chế cho trẻ nhỏ ăn hạt lựu để tránh hóc, tắc ruột (do phần hạt cứng bên trong của hạt lựu dễ gây hóc, khó tiêu hóa). Đối với người lớn, có thể ăn cả phần hạt cứng nhưng cần nhai thật kỹ trước khi nuốt.

Mọi người có thể ép lựu lấy nước để uống. Cách này vừa giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa vừa đảm bảo cơ thể nhận được lợi ích từ hạt lựu.

Những người không nên ăn lựu

Lựu mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng nên ăn loại quả này. Những nhóm người dưới đây được khuyến cáo không nên ăn lựu:

- Người đang bị nóng trong, nhất là trẻ nhỏ.

- Người bị viêm dạ dày.

- Người bị tiểu đường.

Tác giả: Thanh Huyền