Ăn vải rất nóng nhưng kết hợp cùng thứ này sẽ giải nhiệt, mịn da, tăng collagen

( PHUNUTODAY ) - Vải là loại quả rất phổ biến trong mùa hè. Tuy nhiên, ăn nhiều vải dễ bị nóng trong, vậy làm cách nào để hạn chế?

Hãy ăn vải chung với đậu xanh!

Một trong những cách làm giảm độ nóng của vải rất đơn giản chính là dùng vải với đậu xanh. Cách làm này sẽ biến vải thành món giải nhiệt, mịn da và tăng collagen.

Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), quả vải có đặc tính đại nhiệt (hạt vải còn nhiệt hơn cả cùi vải nên cần thận trọng khi làm thuốc). Cùi vải vị rất ngọt, không độc (có tài liệu viết có độc có lẽ do tính quá ngọt nóng của vải).

Vải có tác dụng ích tâm, ôn tỳ, tư thận, bổ huyết, dưỡng can, trừ phiền khát, làm tỉnh táo tinh thần, minh mẫn trí óc, tăng sức lực, tăng thân nhiệt, trừ hàn, tráng dương, tiêu thũng, làm đẹp nhan sắc.

Như vậy, Đông y không chỉ dùng quả vải làm thuốc chữa bệnh mà còn sử dụng để dưỡng nhan nhờ khả năng tăng sinh collagen, cho làn da mịn đẹp hơn.

Thế nhưng, dùng như thế nào để đem lại hiệu quả tăng collagen, mịn da thay vì phát sinh mụn nhọt, nóng trong khó chịu thì không phải ai cũng biết. Vị lương y "bật mí", nấu với đậu xanh thành chè ăn thì không phải quá lo lắng tác dụng phụ của vải.

Thậm chí, đây còn là cách bổ sung dưỡng chất từ quả vải rất tốt, cho làn da trở nên mịn màng, tràn đầy collagen. Bí kíp dưỡng nhan này là thứ chị em nên dắt túi. Nhất là với những người thích ăn vải nhưng sợ nóng trong, có cơ địa dễ phát sinh mụn nhọt.

Vì sao ăn vải nấu với đậu xanh lại giúp tránh nóng trong, thậm chí giúp giải nhiệt, mịn da, tăng collagen?

Theo Healthline, loại quả miền nhiệt đới này được ví là "nhà máy" sản xuất các loại vitamin cực tốt cho làn da. Các loại vitamin bao gồm vitamin C, vitamin E, vitamin K... có trong vải đều đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh sản xuất collagen, cho làn da láng mịn và nhuận sắc.

Ngoài ra, vải còn rất giàu vitamin B6. Loại vitamin này đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa, phân hủy thức ăn. Đặc biệt, nó không thể thiếu trong quá trình tạo hồng cầu, chống viêm. Khi cơ thể được chống viêm từ bên trong, hồng cầu sản sinh mạnh mẽ, bạn cũng có làn da khỏe mạnh hơn, hồng hào hơn.

Trong khi nấu cùng đậu xanh, món vải vẫn giữ được những vitamin quan trọng, đồng thời lại giải nhiệt, không sợ nóng trong. Đông y cho rằng, đậu xanh vị ngọt tính mát, vào tâm, vị, tính hàn, không độc, bổ nguyên khí, thanh nhiệt mát gan, giải được trăm thứ độc.

Nhờ công dụng thanh nhiệt, giải độc, đậu xanh cực hữu ích để dùng cho các trường hợp bị nóng trong, người bị mụn nhọt, tích độc tố trong người. Ai bị mụn trứng cá mà dùng đều sẽ giảm thấy rõ.

Khi kết hợp nấu đậu xanh cùng quả vải, bạn sẽ có ngay món chè dưỡng nhan, giúp làn da tăng sinh collagen, không sợ nóng trong, giảm tối đa nguy cơ lên mụn nhọt.

Lưu ý khi ăn vải tránh rước bệnh vào thân

- Người bệnh tiểu đường cần hạn chế tối đa ăn vải, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn. Nguyên nhân bởi vải tươi chứa một hàm lượng đường cao, người bệnh tiểu đường ăn vải sẽ khiến gan không chuyển hóa hết được fructose. Lúc đó, lượng đường trong máu sẽ tăng cao bất thường.

- Người có bệnh tích đờm trong cổ họng, đang bị bệnh thủy đậu, rôm sảy, lẹo mắt, cũng cần hạn chế ăn vải. Nguyên nhân bởi có thể khiến tình trạng bệnh thêm nặng nề hơn.

- Bà bầu muốn ăn vải cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Loại quả này rất ngọt, có thể dẫn đến tiểu đường thai kỳ cực nguy hiểm nên không được ăn tùy tiện.

- Mỗi lần ăn vải không nên ăn quá nhiều, chỉ ăn 10 quả với người lớn, 3-4 quả với trẻ em.

- Khi ăn vải nên ăn cả lớp màng trắng bọc ngoài cùi vải. Ngoài ra, bạn có thể ăn thêm phần trắng trên đầu hạt vải để hạn chế nhiệt, sinh hỏa, giảm được cảm giác nóng trong người khi ăn. Lớp vỏ này vị hơi chát, tuy nhiên ăn đến phần cùi vải lại thấy ngon, ngọt hơn.

- Nên ngâm nước muối trước khi ăn vải để phòng tránh ngộ độc.

Tác giả: Thạch Thảo