Bảo quản gạo theo cách này, để bao lâu cũng không lo mối mọt

( PHUNUTODAY ) - Nếu để quá lâu gạo có thể bị mối mọt và không còn hương vị thơm ngon như ban đầu. Một vài mẹo nhỏ dưới đây có thể giúp bạn bảo quản gạo được lâu hơn.

1. Cho tỏi vào cùng với gạo

Tỏi có tác dụng ngăn côn trùng, mọt phá hoại nên nếu để trong thùng gạo sẽ giúp hạn chế được sự tấn công của mối mọt. Không chỉ vậy, cách làm này cũng giúp gạo giữ nguyên được hương vị như ban đầu.

Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần bóc vỏ một vài tép tỏi rồi cho vào thùng đựng gạo. Tùy vào thùng gạo to hay nhỏ mà đặt vào số lượng tỏi cho phù hợp.

2. Bảo quản gạo trong tủ lạnh

Bảo quản gạo trong tủ lạnh

Vì gạo có tính hút ẩm cao nên trước khi cho gạo vào thùng đựng bạn nên để trong tủ lạnh 4 – 5 ngày. Việc làm này giúp tiêu diệt và ngăn chặn trứng mối mọt sinh sôi phát triển.

3. Bảo quản gạo bằng muối

Muối có công dụng bài trừ các loại mối mọt ra khỏi gạo. Khi ăn phải muối, mối mọt sẽ sợ mà bỏ đi. Vậy nên bạn có thể rắc một ít muối vào trong thùng gạo.

Tuy nhiên, không nên rắc quá nhiều muối. Nó khiến cho gạo bị mặn mà dễ bị ẩm.

4. Bảo quản gạo bằng hạt tiêu

Bảo quản gạo với hạt tiêu giúp loại bỏ mối mọt một cách cực kì hiệu quả. Hạt tiêu có mùi cay nồng nên mối mọt sẽ không chịu nổi. Để hạt tiêu không bị lẫn vào gạo, bạn hãy cho hạt tiêu vào một chiếc túi lưới nhỏ và đặt trong thùng gạo.

5. Bảo quản gạo bằng túi zipper

Bảo quản gạo trong túi zipper

Các loại túi zipper làm từ nilon mềm và dẻo, phần miệng túi có thiết kế một thanh kéo ngang để đóng mở túi sẽ thích hợp để bạn bảo quản gạo. Đây là một cách lý tưởng giúp bạn giữ gạo được lâu mà không lo mối mọt. Thậm chí là có thể bảo quản gạo 1 – 2 năm.

Tuy nhiên, trước khi cho gạo vào trong túi zipper để bảo quản bạn nên chắc chắn túi zipper hoàn toàn khô ráo và không bị thủng.

Trong trường hợp gạo nhà bạn đã bị mối mọt tấn công thì tuyệt đối không được đem đi phơi nắng. Mọt sợ ánh nắng nên nếu bạn làm vậy chúng sẽ chui vào nơi trú ẩn. Đồng thời, phơi gạo dưới nắng cũng khiến gạo mất nước và trở nên khô, vụn. Lúc này gạo không còn giữ được chất lượng như ban đầu.

Tốt nhất là bạn nên sàng gạo để mọt rơi xuống sau đó đem phơi gạo chỗ có bóng râm và thoáng gió.

Tác giả: Trần Thu Thủy