Bệnh tuyến giáp khiến phụ nữ khó thụ thai: Rất tiếc, nhiều người lại nhầm tưởng rối loạn "đèn đỏ" thông thường

( PHUNUTODAY ) - Bệnh tuyến giáp dễ xảy ra ở nhóm người từ 30-60 tuổi và cần phải đi khám sớm. Nếu chẳng may siêu âm thấy khối u ở tuyến giáp thì có 4-5% khả năng phát triển thành ung thư tuyến giáp.

Trong cơ thể, tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng lớn nhất. Nó nằm ở phía trước cổ, ngang hàng với các đốt xương C5 - T1, hình con bướm, trọng lượng khoảng 10 - 20g, phía trước có cơ thịt và lớp da, phía sau giáp với khí quản.

Chúng chịu trách nhiệm sản xuất hormone điều chỉnh sự trao đổi chất, thần kinh, nhiệt độ cơ thể và tâm trạng. Bên cạnh đó, tuyến giáp cũng có liên quan mật thiết đến chức năng tim mạch, cơ và xương khớp và khả năng thụ thai ở phụ nữ.

Theo Aroon Kongchoo – chuyên gia nội tiết và chuyển hóa của Bệnh viện Vejjthani (Thái Lan), nguyên nhân gây bệnh tuyến giáp thường không rõ ràng, nhưng nó liên quan đến di truyền và phát hiện ở nữ nhiều hơn nam. Bệnh dễ xảy ra ở nhóm người từ 30-60 tuổi và cần phải đi khám sớm. Nếu chẳng may siêu âm thấy khối u ở tuyến giáp thì có 4-5% khả năng phát triển thành ung thư tuyến giáp.

Bên cạnh đó, bệnh tuyến giáp nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra rất nhiều vấn đề như béo phì, tim mạch, trầm cảm… và suy giảm khả năng tình dục. Tuyến giáp tạo ra hai hormone đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể là triiodothyronine và thyroxine. Những bệnh lý tuyến giáp ảnh hưởng đến sinh sản của nữ giới bao gồm các giai đoạn trước, trong và sau khi thụ thai.

Điều này được công bố khá rõ trên tạp chí Sản Phụ khoa The Obstetrician & Gynaecologist. Theo đó, các nhà khoa học cho biết, đây là bệnh lý có tác động mạnh đến chức năng sinh sản của phụ nữ, thậm chí còn có thể gây ra những hệ lụy khó lường như: thai lưu, sinh non, sảy thai,...

Trong số các nguyên nhân gây vô sinh nữ thì bệnh lý tuyến giáp cũng là một tác nhân nguy hiểm. Các hormon tuyến giáp có tác dụng kích thích sinh trưởng và phát dục nên nó có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới.

Như đã nói thì tuyến giáp ảnh hưởng rất nhiều tới nội tiết tố nữ, nhất là hoạt động sản sinh hormone estrogen. Chính vì vậy, quá trình hành kinh hàng tháng sẽ có liên quan mật thiết với tuyến giáp. Phụ nữ đừng chủ quan kẻo nhầm lẫn với những triệu chứng rối loạn kinh nguyệt thông thường.

Cụ thể, nếu bạn thấy những kỳ kinh đến sớm hơn 25 ngày với tần suất cao, hãy cẩn thận với nguy cơ bị suy giáp. Ngược lại, nếu kỳ kinh kéo dài hơn 35 ngày thường xuyên thì bạn có nguy cơ bị cường giáp.

Thêm vào đó, nếu lượng hormone trong tuyến giáp thay đổi sẽ kéo theo chu kỳ kinh nguyệt bị mất cân bằng. Việc này làm các nang trứng trong tử cung cũng rối loạn theo, dẫn đến khó theo dõi ngày rụng trứng và làm giảm khả năng thụ thai thành công.

Nhưng đáng tiếc rằng, nhiều phụ nữ lại hay nhầm lẫn những dấu hiệu này với tình trạng "ngày đèn đỏ" vì chúng khá giống nhau.

Ngoài ra, nếu thấy những dấu hiệu sau, bạn cần lưu ý để đi khám bệnh tuyến giáp:

1. Tăng hoặc giảm cân bất thường

Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng với quá trình trao đổi chất, thậm chí còn có khả năng quyết định trọng lượng cơ thể. Khi bị bệnh cường giáp, các hormone sẽ sản sinh liên tục khiến bạn luôn thấy đói, nhưng dù ăn nhiều bao nhiêu vẫn bị tụt cân bất thường. Còn với bệnh suy giáp, bạn sẽ không có cảm giác muốn ăn nhưng cân nặng vẫn tăng chóng mặt.

2. Mệt mỏi và suy nhược

Mệt mỏi và suy nhược thường bị nhiều người xem là dấu hiệu của tuổi già hoặc do áp lực cuộc sống. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra liên tục dù bạn chẳng hề làm gì nặng nhọc, hãy cẩn thận vì đây là cảnh báo sớm của bệnh tuyến giáp. Lúc này hệ trao đổi chất sẽ bị chậm lại do tuyến giáp bị suy yếu, khiến bạn mệt lả cả ngày không rõ nguyên nhân.

Ngược lại, tuyến giáp "bị ốm" cũng khiến hệ trao đổi chất tăng lên quá mức, khiến bạn chẳng làm gì mà vẫn bị mất năng lượng. Mệt mỏi và suy nhược do bệnh tuyến giáp còn khiến tim đập nhanh, run rẩy và yếu cơ. Phụ nữ cũng hay nhầm tưởng đây là ảnh hưởng từ kỳ kinh nguyệt nên lại vô tình bỏ qua.

3. Khó ngủ ngon, mất ngủ

Khi mắc các bệnh về tuyến giáp, đặc biệt là bệnh cường giáp, hormone trong cơ thể sẽ bị suy giảm mạnh khiến bạn mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc. Bên cạnh đó, bệnh tuyến giáp còn ức chế khả năng sản xuất serotonin – một loại hormone có tác dụng giúp cơ thể thoải mái và vui vẻ. Khi lượng serotonin trong não bị suy giảm thì bạn sẽ thấy chán nản và khó ngủ là điều tất yếu.

Tác giả: Vũ Ngọc