Vì sao chung cư HH thành ổ dịch?
Những ngày qua, cư dân sống tại chung cư Bộ Công an 282 Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội lo lắng vì 1 trường hợp F0 sống tại chung cư HH4 Linh Đàm đã sang thăm người thân ở đây và ở lại từ 15 đến 17/8. Đến ngày 20/8, trường hợp này dương tính với virus SARS-CoV-2 khiến cả chung cư nháo nhào lo lắng.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội nhận định, ổ dịch ở chung cư HH Linh Đàm phức tạp vì số lượng bệnh nhân đông, lại rải rác nhiều tầng. Hơn nữa, mật độ cư dân tại khu vực này rất đông.
Theo ông Tuấn, hiện lực lượng chức năng đã phong tỏa toàn bộ tòa HH4C và yêu cầu các hộ dân ở yên tại chỗ, không ra khỏi nhà.
CDC Hà Nội và Ban chỉ đạo quận Hoàng Mai đánh giá, khu vực HH Linh Đàm có mật độ dân rất đông, điều kiện thoáng khí hạn chế. Bên cạnh đó, thời gian trước, việc đi lại vì các lý do công việc, mua đồ thiết yếu,… vẫn nhiều.
Ca bệnh đầu tiên trong ổ dịch tại khu HH Linh Đàm được Sở Y tế Hà Nội công bố ngày 8/8. Người này tên T.V.T. (nam, sinh năm 1986, ở P630, tòa HH4C). Anh T. là F1 (làm cùng cơ quan) với 1 ca Covid-19, ngày 7/8 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính. Thống kê từ Sở Y tế Hà Nội đến sáng ngày 25/8, ổ dịch tại tòa nhà HH4C Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã ghi nhận tới 43 ca dương tính SARS-CoV-2.
Phòng bệnh ở chung cư như thế nào?
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, phòng Covid-19 ở chung cư cũng giống như ở bất cứ đâu chúng ta cần hiểu rõ đường lây của virus.
Virus tồn tại trong giọt bắn đường hô hấp của người bệnh. Có giọt lớn rớt xuống ngay, có những giọt li ti, còn lơ lửng trong không gian một thời gian sau đó. Nếu bạn đi vào khu vực phòng kín, chật, lại thêm bật máy lạnh thì nồng độ virus càng cao càng dễ nhiễm bệnh.
Ngược lại, ở chỗ thoáng, không khí mang giọt bắn được làm loãng ra ngay, càng loãng càng ít virus thì càng khó gây bệnh. Hệ miễn dịch đủ sức để đánh bại số lượng ít ỏi đó, nhất là khi bạn được bảo vệ bằng khẩu trang.
Những ngày qua, bác sĩ Khanh nhận được cả trăm câu hỏi của cộng đồng rằng virus có người lo lây qua đường thông gió, giếng trời, bay từ nhà này sang nhà khác không.
Câu trả lời là không, bác sĩ Khanh cho rằng virus không thể bay từ cửa sổ nhà này, chui vào cửa sổ nhà khác để lây nhiễm. Virus ra ngoài không khí sẽ bị loãng nồng độ hoặc gặp nhiệt độ cao sẽ không tồn tại được.
Vì vậy, người dân không nên lo lắng virus theo đường giếng trời chung cư, thông gió vào nhà mình. Điều quan trọng nhất đó là không gian của gia đình có thoáng khí không. Không nên sợ virus mà đóng cửa kín bưng để bật điều hoà mà nên mở cửa thông thoáng. Các khu vực có cửa sổ đối lưu không khí nên mở hết ra để không khí được lưu thông tốt nhất. BS Khanh nhấn mạnh, mọi người nên nhớ: virus SARS-CoV-1 tồn tại ở môi trường kín, tù túng, lạnh.
Điều đáng lưu ý trong phòng bệnh khi ở chung cư đó là khu vực hành lang. Theo bác sĩ Khanh, đây là một trong những nơi nguy hiểm cần được chú ý. Hành lang đó có thể rộng nhưng có khi không khí không có đường thoát. Nhà nhà đóng cửa, hai đầu cửa thoát hiểm cũng khép chặt thì không có không khí lưu thông.
Nếu có F0 đi ngang hành lang đó, nhất là khi khu đó có vài F0 đã được phát hiện hoặc chưa được phát hiện thì hành lang sẽ nhanh chóng trở thành nguồn lây.
Tương tự, thang máy, nhà vệ sinh công cộng hay bất cứ không gian sinh hoạt chung tù túng, không thông thoáng đều có thể trở thành nguồn phát tán mầm bệnh trong chung cư.
Vì vậy, bác sĩ Khanh khuyên mọi người cố gắng tìm cách thông khí cho các hành lang, có cánh cửa nào hãy mở hết ra, dùng quạt... Các tòa nhà văn phòng cũng tương tự. Mỗi người khi di chuyển trong không gian chung, đừng thấy không có ai mà quên đeo khẩu trang.
Chủng mới Delta này còn dễ lây qua các bề mặt với trung gian là bàn tay hơn. Do đó hãy lo đến việc vệ sinh hành lang, tay nắm cửa, thang máy, lan can... và luôn nhớ rửa tay.
9 biện pháp mới nhất phòng chống dịch COVID-19 người dân cần biết
1, Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn).
2, Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và đến cơ sở y tế.
3, Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo.
4, Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý xây dựng lối sống lành mạnh.
5, Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
6, Nếu bạn có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị.
7, Tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ nếu trở về từ vùng dịch.
8, Thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khoẻ của bản thân.
9, Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình: https://www.bluezone.gov.vn/.
Tác giả: Thạch Thảo
-
Chuyên gia cảnh báo: 8 thói quen khi đeo khẩu trang khiến bạn vẫn nhiễm Covid -19 dù chỉ ở nhà
-
Phi Nhung nhiễm Covid-19, chuyển viện ngay trong đêm vì tình trạng trở nặng
-
3 đơn thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà: Hướng dẫn dùng trong 3, 5 và 7 ngày, ai cũng cần biết
-
Chi tiết 7 nhóm thuốc điều trị tại nhà cho bệnh nhân Covid-19: Lưu ý quan trọng để sử dụng an toàn
-
Bác sĩ giải đáp thắc mắc: Tiêm đủ 2 mũi vắc-xin mà tiếp xúc với F0, làm gì để đừng bị bệnh?