BS Trương Hữu Khanh giải đáp 6 vấn đề về Covid-19: Tiêm vắc xin mũi 2 khác loại có an toàn không?

( PHUNUTODAY ) - Liên quan tới đại dịch Covid-19, có rất nhiều những vấn đề mà người dân quan tâm. Bác sĩ Trương Hữu Khanh đã giải đáp 1 số câu hỏi nhiều người gửi tới nhất.

BS Trương Hữu Khanh – Chuyên gia truyền nhiễm BV Nhi đồng 1, T.HCM là một trong những chuyên gia hàng đầu được nhiều người tin tưởng nhất. Bởi ông luôn đưa ra nhiều lời khuyên giá trị cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Đồng thời, cũng giúp chúng ta hiểu biết thêm nhiều kiến thức để phòng ngừa, điều trị, đối phó với đại dịch Covid-19.

Dưới đây là 1 số thắc mắc được bác sĩ Khanh giải đáp:

Những dấu hiệu sau khi mắc Covid có đáng lo?

Stress sau Covid là không thể tránh khỏi bởi vì người dân đã trải qua nhiều tháng không đi làm, nhất là những người đã stress thì càng dễ stress hơn. Những người đã mắc Covid-19 cũng tương tự.

Các dấu hiệu của người bệnh thường gặp như:

Đau đầu, mất ngủ: Dấu hiệu này phần nhiều là do người bệnh lo lắng về những di chứng sau khi khỏi bệnh.

Đau ngực, khó thở, cảm giác có gì đó chạy rần rần trong xương, lạnh chân tay, có các cơn hoảng loạn. Khi có triệu chứng này, bác sĩ Khanh khuyên bạn cần bình tĩnh.

Rụng tóc, sụt cân: Covid-19 thường làm cho người bệnh sụt cân, rụng tóc do mất dinh dưỡng, có người sau điều trị sụt 5, 7 kg là bình thường. Vì Covid-19 là virus mới, khi tấn công vào cơ thể thì người phải huy động tất cả năng lượng tạo ra kháng thể đẩy ra khỏi cơ thể . Cộng thêm lo lắng khiến người bệnh sụt cân, rụng tóc. Nhưng dấu hiệu này rất bình thường

Có người tổn thương thận, có em bé tiểu ra cặn, ba mẹ cũng hốt hoảng tưởng tượng con bị hậu Covid-19 nhưng thực chất các dấu hiệu này bình thường.

Đến thời điểm này, bác sĩ Khanh cho rằng bạn chỉ lo lắng khi trong nhà có người lớn tuổi có bệnh nền mà chưa tiêm ngừa vắc xin.

Đắn đo việc tiêm vắc xin mũi 2 khác loại?

Theo bác sĩ Khanh, khi tiêm vắc xin Astrazenca, hầu hết nhân viên y tế đều chích ngừa trong thời gian từ 4 – 6 tuần chứ ít người chích 12 tuần nên việc chích sớm hoàn toàn bình thường. Chích sớm đảm bảo phủ 2 mũi vắc xin sớm hơn.

Việc tiêm vắc xin khác loại mũi 2 thay thế trên thế giới đã áp dụng, nguyên tắc việc tiêm thay thế này hoàn toàn bình thường, cơ hội chích ngừa là quan trọng nhất, nếu tiêm được nhiều người 2 mũi sẽ giải thoát được giãn cách. Để giãn cách an toàn thì người có bệnh nền càng phải chích ngừa.

Chích ngừa không đảm bảo bạn không nhiễm bệnh nhưng chích vắc xin giảm tỷ lệ trở nặng, tử vong của người bệnh.

Với biến chủng Delta, ai có 1 mũi vắc xin đã tốt, có 2 mũi càng tốt hơn nên cố gắng đi tiêm đủ 2 mũi vắc xin, không nên ngại việc tiêm vắc xin mũi 2 thay thế hay thời gian tiêm ngắn hơn quy định của nhà sản xuất.

Khi nào bỏ giãn cách?

Chúng ta không nên quá lo lắng về số ca bệnh mắc mỗi ngày, con số ca bệnh bị nặng mới là quan trọng. Nếu 1000 người nhiễm mới nhưng chỉ có 2 người bị nặng thì sẽ không lo lắng. Vì vậy, ngay cả ở Mỹ và các quốc gia số ca mắc rất cao nhưng họ có số tử vong, bệnh nặng thấp nên vẫn bỏ giãn cách.

Tại nước ta, nếu bỏ giãn cách sẽ mở dần dần, đó là quy luật chứ không thể đang Chỉ thị 16 sẽ nới lỏng hết tất cả.

Bệnh xong có chích ngừa không?

Với người đã nhiễm Covid-19, sau 6 tháng mới chích ngừa vắc xin. Bởi vì sau khi bị bệnh, trong 6 tháng đầu kháng thể rất cao sau đó giảm dần nhưng cũng không có người bệnh lại. 6 tháng sau bạn có thể chích lại vắc xin.

Chích ngừa vẫn mắc?

Khi sản xuất vắc xin, nhà sản xuất đã nói tiêm vắc xin Covid-19 vẫn mắc bệnh nhưng mắc bệnh nhẹ, không cần hỗ trợ oxy, giảm tỷ lệ tử vong hoặc mắc bệnh không có triệu chứng.

Cũng giống như vắc xin thuỷ đậu khi người tiêm vắc xin xong có mắc bệnh thường rất nhẹ, thậm chí người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì cũng không cần phải tiêm vắc xin bổ sung trong tương lai. Thậm chí, khi tiêm vắc xin vẫn mắc còn có lợi.

Có nên xét nghiệm kháng thể sau tiêm vắc xin?

Nhiều người đã tiêm vắc xin đủ 2 mũi muốn đi xét nghiệm kháng thể, bác sĩ Khanh cho rằng với người đã tiêm vắc xin mà xét nghiệm kháng thể không chính xác. Vì xét nghiệm đó dành cho cá nhân mà dành cho những người làm nghiên cứu. Người đã tiêm vắc xin 2 mũi thì rất ít trở nặng nên xét nghiệm không giúp được gì nhiều.

Với những người đã từng nhiễm hoặc trong gia đình cũng có người nhiễm cần chứng minh mình mắc bệnh thì có thể xét nghiệm kháng thể. Có thể lấy máu từ đầu ngón tay, hiện nhiều bệnh đều được lấy máu xét nghiệm như viêm não Nhật Bản, thương hàn, sốt xuất huyết.

Việc lấy máu xét nghiệm kháng thể hoàn toàn bình thường. Thời gian xét nghiệm kháng thể từ 4 tuần trở lên nếu xét nghiệm sớm sẽ chưa có kháng thể.

Tác giả: Thạch Thảo