Các bài thuốc quý từ hạt gấc

( PHUNUTODAY ) - Trong Đông y, hạt gấc được coi là một dược liệu quý với nhiều công dụng, đem tới nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Quả gấc được sử dụng nhiều trong nấu ăn với các món quen thuộc như xôi gấc, dùng để nhuộm màu cho thực phẩm hoặc dùng để nấu dầu gấc. Với nhiều người hạt gấc là phần bỏ đi vì nó có lớp vỏ rất cứng lại không ăn được. Tuy nhiên, đây là ột loại dược liệu dược áp dụng để điều trị một số bệnh quen thuộc.

Trong Đông y, hạt gấc được gọi là mộc miết tử (nghĩa là con ba ba gỗ). Tên gọi này xuất phát từ hình dạng dẹt, gần như tròn và phần vỏ ngoài nâu xám, nâu đen của hạt gấc, quanh hạt có răng cưa, trên mặt có đường vân lồi lõm trông từa tự như con ba ba. 

Nghiên cứu của khoa học hiện đại chỉ ra rằng hạt gấc chỉ có 6% là nước nhưng lại chứa nhiều dầu (55,3% chất béo). Ngoài ra, nó còn chứa 16,6% protein, 2,9% gluxit, 1,8% tanin. Hạt gấc chứa một số men như peroxydaza, photphataza, invectaza…

Sách cổ ghi rằng nhân hạt gấc có vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi độc, tác dụng vào hai kinh là can và đại tràng. Loại dược liệu này có tác dụng tiêu thũng, trị mụn nhọn, trị thương, bầm tím… Dân gian thường dùng hạt gấc ngâm rượu để bôi ngoài da giúp trị sưng tấy.

Trong Đông y, hạt gấc được coi là dược liệu dùng để trị một số bệnh.

Một số bài thuốc từ hạt gấc

  • Bài thuốc chữa sưng đau

Để chữa sưng đau, hãy lấy 2-3 hạt gấc giã nhỏ rồi ngâm trong giấm trắng hoặc rượu trắng. Lấy phần nước ngâm thoa vào vị trí bị sưng đau.

Ngoài ra, có thể nướng 3-4 hạt gấc cháy thành than rồi ngâm với giấm hoặc rượu và thoa lên chỗ sưng đau. Ngày làm 3-4 lần để tiêu sưng, giảm đau.

Bạn cũng có thể lấy khoảng 30-40 hạt gấc đốt thành than (nhân bên trong vẫn còn vàng chứ không bị cháy đen), giã nhỏ rồi ngâm với khoảng 400-500ml rượu trắng để dự trữ, dùng dần để xoa bóp ngoài da khi bị chấn thương, sưng đau do ngã, va chạm (lưu ý, không thoa lên vết thương hở).

  • Bài thuốc chữa chai chân

Lấy nhân hạt gấc và phần màng hạt đem giã nát rồi trộn với một chút rượu 35-40 độ. Sau đó, cho hỗn hợp này vào túi nilon, gói lại. Đục lỗ nhỏ rộng gần bằng chỗ chai chân rồi buộc vào túi rượu hạt gấc vào vị trí bị chai. Để nguyên như vậy và 2 ngày thay thuốc một lần.

  • Trị mụn nhọt, ghẻ lở

Dùng hạt gấc giã nát ngâm rượu và thoa lên vùng da đang bị mụn nhọt, ghẻ lở.

  • Trị viêm xoang

Lấy khoảng 20-25 hạt gấc đem nướng cháy đen phần vỏ, phần nhân bên trong chín mềm nhưng không bị cháy. Đem giã nhỏ cả phần vỏ và nha rồi ngâm với rượu trong 1 ngày.

Khi sử dụng, lấy tăm bông chấm vào hỗn hợp rượu hạt gấc rô bôi lên sống mũi. Chờ khoảng 2 phút để rượu gấc phát huy tác dụng rồi xì hết mủ đặc trong xoang mũi ra ngoài. 

Lưu ý khi dùng hạt gấc

Hạt gấc có thể dùng để bôi ngoài da nhưng ưu tiên nước chín hạt gấc rồi mới sử dụng. Nhân hạt gấc có màu vàng, vị đắng, hơi ngọt, tín ôn hơi độc nên chỉ dùng ở các bài thuốc bôi ngoài da, không nên dùng để uống để tránh ngộ độc.

Người bị trúng độc hạt gấc có thể có các biểu hiện như mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn. 

Ngoài phần thịt gấc, phần màng đỏ bên ngoài của hạt gấc chứa nhiều dưỡng chất nên khi nấu ăn, hãy lấy cả phần này để tránh lãng phí các chất quý giá. Phần cùi trắng ở vỏ quả gấc cũng có thể sử dụng được, bạn có thể lấy phần này để nấu ăn (bóp nát, trộn cùng gạo để đồ xôi hoặc cho vào để nấu dầu gấc cùng với phần thịt đỏ của quả gấc.

Khi sử dụng hạt gấc như một bài thuốc, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Tác giả: Bích Loan