Các cụ nói phụ nữ phải có "Tam tòng tứ đức": Vậy "tam tòng" và "tứ đức" ở đây là gì?

( PHUNUTODAY ) - Đây là những tiêu chuẩn đạo đức, cách ứng xử mà bất cứ người phụ nữ nào cũng phải cố gắng làm theo trong thời xưa. Vậy "Tam tòng tứ đức" ở đây là gì?

Xã hội phong kiến gò bó con người bởi những lễ giáo, nguyên tắc khắt khe, nghiêm ngặt. Con người luôn phải tuân theo chuẩn mực đạo đức, nếu trệch khỏi quỹ đạo đó sẽ bị người đời lên án, cười chê. Đặc biệt xã hội đó còn trọng nam khinh nữ, nên tiêu chuẩn với phụ nữ càng nặng nề hơn, phụ nữ phải tuân theo “Tam tòng tứ đức”. Đây là những tiêu chuẩn đạo đức, cách ứng xử mà bất cứ người phụ nữ nào cũng phải cố gắng làm theo.

1. Tam tòng

Trong xã hội phong kiến xư nay khi nói đến Tam tòng tức là nói đến 3 điều trói buộc mà người phụ nữ phải tuân theo: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Người phụ nữ trong xã hội này tiếng nói không có trọng lượng, từ khi sinh ra đến khi mất đi đều phải nghe theo những người đàn ông là trụ cột gia đình.

Tại gia tòng phụ

Hiểu một cách đơn giản, khi người con gái được sinh ra và lớn lên, khi còn ở nhà phải nghe lời người cha đề ra. Cha như vị thánh sống trong nhà, nói gì, bảo gì cũng phải nghe theo. Chỉ có như thế mới được đánh giá là một người con gái ngoan, con nhà có giáo dục.

Xuất giá tòng phu

Câu xuất giá tòng phu nghĩa là con gái khi đã được gả đi rồi thì phải nhất nhất phải nghe theo chồng. Người phụ nữ phải có trách nhiệm vun vén, tạo dựng hạnh phúc gia đình, giúp chồng làm lên nghiệp lớn.

Phu tử tòng tử

Phu tử tòng tử ý nói nếu như chồng đã qua đời thì người phụ nữ phải ở vậy nuôi con trưởng thành và các việc trọng đại thì sẽ đều do người con trai quyết định.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, con người đã cởi mở hơn, mọi quan niệm xưa kia chỉ là tham khảo chứ không phải là ép buộc. Là một người phụ nữ và cũng là một người con thì việc nghe theo lời bố mẹ là lẽ đúng nhưng cũng phải biết phân biệt đúng sai. Trong hôn nhân, hạnh phúc chỉ đến khi vợ chồng biết tôn trọng và dung hòa yêu thương san sẻ cho nhau. Nếu chồng như qua đời thì người phụ nữ ngày nay cho dù có đi thêm bước nữa hay ở vậy nuôi con thì cũng vẫn nên là một điểm tựa vững chắc cho những đứa con của mình.

2. Tứ đức

Tứ đức là quy phạm hành vi cho người nữ tuân theo, hiện nay chúng ta quen gọi Tứ đức là: Công – Dung – Ngôn - Hạnh.

Công

Theo quan niệm xưa, công được hiểu là nữ công gia chánh, tề gia nội trợ, may vá thêu thùa, nuôi dạy con cái chăm ngoan, khỏe mạnh. Người chồng làm việc bên ngoài, nuôi dưỡng gia đình, chăm lo kinh tế, phấn đấu địa vị để rạng danh gia đình. Còn người phụ nữ đảm nhiệm công việc quản gia, phụng dưỡng cha mẹ chồng, giáo dục con cái. Trong đó việc nữ công, gia chánh phải khéo léo. Với phụ nữ ngày xưa thì chủ yếu là may, vá, thêu, dệt, bếp núc, buôn bán, tuy nhiên với người phụ nữ giỏi thì có thêm cầm kỳ thi họa.

Trong xã hội ngày nay, người phụ nữ vừa giỏi việc gây dựng sự nghiệp, vừa chăm sóc gia đình cũng không phải là trái với tứ đức xưa. Người phụ nữ phải xử lý tốt quan hệ giữa công việc gia đình và bên ngoài. Nếu quá thiên về công việc bên ngoài thì nhà sẽ thiếu đi trụ cột bên trong, hôn nhân sẽ đến muộn hoặc cuộc sống gia đình không hòa thuận.

Dung

Dung trong công dung ngôn hạnh được hiểu là vẻ đẹp hình thức, dáng vẻ bên ngoài. Dung chính là dung nhan. Người xưa thường giáo dục rất cẩn thận cho con gái về cách ăn mặc. Phụ nữ trong cách ăn mặc phải trang nhã, đứng đắn không làm mất đi đức hạnh của mình. Chuẩn mực của người phụ nữ xưa đó là nét đẹp thùy mị, kín đáo, duyên dáng.

Ngôn

Ngôn chính là lời nói. Lời nói đẹp còn phải gắn liền với các cử chỉ phù hợp, đúng phép tắc thể hiện được sự đoan trang. ngôn đòi hỏi người phụ nữ phải biết nói đúng lúc, đúng chỗ. Chuẩn mực trong ngôn từ giao tiếp luôn là điều cần thiết bởi nó là phương tiện thể hiện nét đẹp văn hóa con người.

Hạnh

Hạnh chính là đức hạnh, là phẩm chất quan trọng nhất của người phụ nữ. Một người phụ nữ đức hạnh là người sẽ giáo dục con cái trở thành những người có đạo đức đồng thời giúp chồng đề cao phẩm đức của bản thân, gia đình thịnh vượng. Người phụ nữ phải thủ vững tiết giáo, giữ thân như ngọc, đồi với hôn nhân gia đình phải môt lòng một dạ, đối với cha mẹ chồng phải khiêm cung hiếu lễ.

Có thể nói “Công dung ngôn hạnh" là một chuẩn mực của đạo đức xã hội, để mọi người hướng tới; hoàn thiện từng ngày để trở thành người phụ nữ xinh đẹp, lương thiện, tháo vát, khéo léo trong việc giao tiếp, ứng xử. Phụ nữ thời nay không chỉ giữ vai trò là người giữ “lửa” cho gia đình mà họ còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quản lý nhà nước, kinh doanh,…Do đó “công – dung – ngôn – hạnh” không còn giữ nguyên ngữ nghĩa mà được mở rộng, phát triển theo nhiều hướng khác nhau nhưng vẫn là chuẩn mực, khuôn vàng thước ngọc đối với người phụ nữ.

Tác giả: Vũ Thêm