Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP/NĐ-CP, Cảnh sát giao thông sẽ xử phạt vi phạm trên đường mà không cần lập biên bản.
Căn cứ vào Điều 56 của Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2013), Điều 15 Thông tư 01/2016/TT-BCA (có hiệu lực từ ngày 15/02/2016), Nghị định 46/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/8/2016) thì CSGT xử phạt vi phạm không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp: Xử phạt cảnh cáo; hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
Ảnh minh họa. |
Đối với các trường hợp xử phạt không lập biên bản nêu trên thì CSGT phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Theo quy định, chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 400.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt.
Trường hợp có hành vi vi phạm giao thông và bị xử phạt trên 500.000 đồng thì người vi phạm phải đến kho bạc nộp phạt.
Ngoài ra, theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định, trong trường hợp chủ phương tiện vi phạm có mặt tại nơi xảy ra vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính theo các điểm, khoản tương ứng.
Trong trường hợp chủ phương tiện vi phạm không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt căn cứ vào hành vi vi phạm để lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện và tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện phải ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến và được chấp hành quyết định xử phạt thay cho chủ phương tiện.
Trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành quyết định xử phạt thay cho chủ phương tiện thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành tạm giữ phương tiện để bảo đảm cho việc xử phạt đối với chủ phương tiện.
Đối với phương tiện thuê của tổ chức, cá nhân có chức năng cho thuê tài sản và được tổ chức, cá nhân thuê phương tiện đứng tên làm thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì tổ chức, cá nhân đã thuê và đứng tên làm thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho phương tiện là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện;
Đối với phương tiện chưa làm thủ tục đăng ký xe hoặc đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản thì cá nhân, tổ chức đã mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện.
Bổ sung quy định xử phạt đối với 33 hành vi vi phạm
Điểm đáng chú ý, Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã bổ sung quy định xử phạt đối với 33 hành vi và nhóm hành vi vi phạm chưa được quy định trong Nghị định hiện hành, bao gồm:
Người điều khiển xe ô tô có hành vi vi phạm không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe ô tô đang chạy tại các hàng ghế phía sau hoặc dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường để phù hợp với Công ước 1968 về Giao thông đường bộ mà Việt Nam đã gia nhập.
Hành vi dùng chân điều khiển vô lăng xe ô tô khi xe đang chạy trên đường; hành vi điều khiển xe đi qua dải phân cách cứng ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà).
Người điều khiển xe ô tô, xe mô tô có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia.
Xử phạt đối với tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện hành vi vi phạm: không có biện pháp khắc phục kịp thời các hư hỏng của công trình đường bộ gây mất an toàn giao thông; không có quy trình quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường bộ theo quy định hoặc không thực hiện đầy đủ các nội dung quy định trong quy trình quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường bộ đã được phê duyệt; rải, đổ hóa chất gây hư hỏng công trình đường bộ.
Xử phạt đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải không lập hồ sơ lý lịch phương tiện, lý lịch hành nghề của lái xe theo quy định; không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe theo quy định; sử dụng từ 2 hợp đồng vận chuyển trở lên cho một chuyến xe vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải hành khách du lịch; bán vé hoặc xác nhận đặt chỗ cho hành khách đối với xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải hành khách du lịch bến xe không thực hiện quy trình bảo đảman toàn giao thông cho xe ra, vào bến hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ quy trình bảo đảm an toàn giao thông cho xe ra, vào bến.
Tổ chức thực hiện thu phí đường bộ để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại khu vực thu phí cũng bị xử phạt.
Xử phạt đối với cơ sở đào tạo lái xe thực hiện hành vi vi phạm: sử dụng xe tập lái không có mui che mưa, nắng, không có ghế ngồi chắc chắn cho người học trên thùng xe; không thực hiện việc ký hợp đồng đào tạo, thanh lý hợp đồng đào tạo với người học lái xe theo quy định hoặc có ký hợp đồng đào tạo, thanh lý hợp đồng đào tạo nhưng không do người học lái xe trực tiếp ký; sử dụng máy tính trong kỳ sát hạch lý thuyết có đáp án của câu hỏi sát hạch lý thuyết hoặc kết nối với đường truyền ra ngoài phòng thi trái quy định.
Tuy nhiên, để có thời gian tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết, thực hiện, Nghị định 46/2016/NĐ-CP cũng quy định lộ trình áp dụng xử phạt như áp dụng xử phạt từ 1/1/2017 đối với một số hành vi như hành vi không sang tên đổi chủ, hành vi chở hàng vượt quá tải trọng trục của xe, hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe ô tô, hành vi sử dụng xe taxi chở hành khách không có thiết bị in hóa đơn theo quy định; áp dụng từ 1/1/2018 đối với hành vi không thắt dây an toàn tại các hàng ghế phía sau của xe ô tô (đối với các vị trí có trang bị dây an toàn)...
>Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ 1/8 (Xã hội) - (Phunutoday) - Từ ngày mai (1/8), nhiều chính sách tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh sẽ chính thức có hiệu lực. |
Tác giả: Nguyễn Trà Mi