Món canh cá rất phổ biến trong bữa cơm truyền thống của người Việt. Canh cá ăn ngon, bổ dưỡng lại chống ngán. Từ Bắc vào Nam, mỗi vùng đều có cách nấu canh cá riêng biệt: nơi thích vị chua thanh mát từ me, dọc, thơm dứa; nơi lại ưa chuộng vị ngọt nhẹ nhàng của rau cải, rau ngót. Tuy cách nấu đa dạng, nhưng điểm chung của món canh cá ngon chính là không bị tanh, nước trong veo và thịt cá ngọt, mềm, không bở. Vậy làm sao để đạt được điều đó? Hãy cùng khám phá bí quyết ngay dưới đây.
1. Chọn và sơ chế cá tươi – bước đầu tiên quyết định món canh có tanh hay không
Để có tô canh cá ngon không tanh trước tiên phải có cá tươi ngon. Cá cần là cá tươi sống, thịt còn săn chắc, mắt sáng, mang đỏ. Bởi cá sau khi chết lâu, đặc biệt trong thời tiết nóng của mùa hè, protein bên trong sẽ bắt đầu phân huỷ, tạo ra mùi tanh khó chịu. Nếu dùng cá nuôi bằng cám công nghiệp, vị tanh thường đậm hơn cá tự nhiên, nên nếu có điều kiện, bạn hãy chọn cá đồng, cá sông lành tính, ít tanh hơn nhiều.
Khi sơ chế, hãy nhớ đánh sạch vảy cá, loại bỏ mang, ruột cá và cạo kỹ lớp màng đen trong bụng cá – đây là nơi chứa nhiều mùi hôi nhất. Vây và đuôi cá cũng nên được cắt bỏ để giúp món canh trong và sạch hơn.
Muốn khử mùi tanh hiệu quả, bạn có thể rửa cá với muối hạt, rượu trắng hoặc gừng giã nát. Cách này không chỉ làm sạch cá mà còn khử mùi tanh rất tốt. Sau khi rửa, hãy để ráo cá và có thể ướp sơ với một chút gia vị để cá ngấm đậm đà hơn.
2. Dùng nước sôi khi nấu cá – mẹo "nhỏ mà có võ" giúp nước canh trong, cá không tanh
Một lỗi phổ biến khiến canh cá bị tanh là cho cá vào khi nước còn lạnh. Khi đó, thịt cá sẽ chín dần từ ngoài vào trong, khiến các axit amin dễ thoát ra nước, gây mùi tanh nồng.
Cách đúng là đun nước thật sôi rồi mới thả cá vào. Khi gặp nước sôi, lớp da cá lập tức co lại, giữ chặt các chất dinh dưỡng bên trong, giảm gây ra mùi tanh. Đồng thời, nước sôi cũng giúp cá chín nhanh, ngọt thịt, không bị bở. Trong quá trình nấu, nếu cần thêm nước, hãy dùng nước đun sôi thay vì nước lạnh, để giữ nhiệt độ ổn định và không làm “sốc nhiệt” khiến cá tanh trở lại.
3. Nấu canh cá ở lửa vừa và không đậy nắp nồi
Sau khi thả cá vào nước sôi, chờ nước sôi trở lại thì hạ lửa nhỏ liu riu. Không nên nấu ở lửa lớn liên tục vì nhiệt độ quá cao sẽ làm protein trong thịt cá bị phân hủy mạnh, tạo ra mùi tanh và khiến thịt bị bở, nát.
Mở nắp nồi trong quá trình nấu là bí quyết giúp hơi tanh bay hơi ra ngoài. Đậy nắp kín không chỉ khiến nồi canh dễ bị đục, mà còn khiến mùi tanh “quẩn” lại trong nồi. Đặc biệt với món canh cá nấu với rau, việc đậy nắp còn khiến rau bị chuyển màu, mất đi vẻ hấp dẫn.
4. Nêm gia vị và rau thơm đúng cách – linh hồn của món canh cá
Gia vị không chỉ giúp món ăn thêm ngon mà còn khử tanh và tăng mùi thơm hiệu quả. Tùy vào cách nấu, bạn có thể lựa chọn:
Với món canh cá rau cải: nên cho thêm gừng, hành lá, thì là để tăng hương thơm và át mùi cá.
Với canh cá nấu chua: có thể dùng me, quả dọc, khế, thơm (dứa) hoặc lá me, tùy theo vùng miền. Một chút ớt cay cũng làm món ăn thêm hấp dẫn.
Canh cá kiểu miền Nam: không thể thiếu rau ngổ, ngò gai, tạo mùi thơm đặc trưng và dễ chịu.
Lưu ý: chỉ nên cho rau thơm vào khi tắt bếp, đảo nhẹ rồi múc ra bát. Nếu cho rau thơm quá sớm hoặc để nồi canh nguội mới ăn, rau sẽ bị đỏ, mất mùi, khiến tô canh cá trở nên kém hấp dẫn và có thể tăng mùi tanh.
5. Có nên rán cá trước khi nấu? Rán cá có khử tanh không?
Nhiều người có thói quen rán sơ cá trước khi nấu canh, và điều này thực ra cũng có cơ sở. Khi chiên sơ, lớp da cá co lại dưới nhiệt độ cao, giúp hạn chế việc tiết ra axit amin – nguyên nhân gây mùi tanh. Tuy nhiên, rán cá cũng làm tăng vị béo ngấy, khiến nồi canh có phần ngấy hơn.
Nếu bạn yêu thích vị thanh mát, nhẹ nhàng, hãy để cá tươi nấu thẳng. Còn nếu muốn tăng độ đậm đà, thơm ngậy, rán sơ cá trước khi nấu là một lựa chọn hợp lý. Tùy khẩu vị gia đình mà linh hoạt cách nấu.
Món canh cá không quá cầu kỳ, nhưng để có được bát canh thơm, ngọt, không tanh, bạn cần chú ý từ khâu chọn cá, sơ chế đến cách nấu và nêm nếm. Mỗi vùng miền lại có một cách nấu riêng, hãy thử nghiệm và biến tấu để bữa cơm gia đình thêm phong phú. Chỉ cần nhớ những nguyên tắc vàng: cá tươi – làm sạch - nước sôi – không đậy nắp – lửa vừa – nêm đúng vị, bạn sẽ luôn có nồi canh cá tròn vị, hấp dẫn và tốt cho sức khỏe.
Tác giả: Như Bình
-
Trẻ sinh 3 ngày này âm lịch: Trời Phật che chở gặp nhiều may mắn, sau này cha mẹ tha hồ hưởng phúc con
-
Rán cá rô nên để vảy hay cạo bỏ: Biết mẹo này cá vàng giòn đều 2 mặt ngay
-
Kho cá chỉ bỏ muối, mắm thôi chưa đủ: Thả thêm thứ này vào cá hết sạch mùi tanh
-
5 "bí kíp vàng" từ chuyên gia tâm lý giúp bố mẹ nuôi dạy con toàn diện và hạnh phúc
-
Rán cá nào thả ngay vào chảo dầu là dại: Nhúng qua loại nước này trước khi rán, giòn tan không tanh chút nào