Cách sơ chế sứa làm nộm để không bị tanh và giữ được độ giòn

( PHUNUTODAY ) - Sứa biển có vị giòn dai, thanh mát, dùng làm nộm ăn hoài không ngán.

Chọn sứa tươi ngon

Nếu mua sứa tươi, bạn nên chọn những con sứa có màu trắng phớt hồng, có phấn như muối và đặc biệt là thịt sứa không bị bết dính. Dùng tay sờ vào con sứa thấy thịt rắn chắc. Ấn tay vào mình sứa thấy không có nước chảy ra.

Tuyệt đối không mua những con sứa có màu hơi ngả vàng. Đây là dấu hiệu sứa kém tươi ngon, có thể bị ngâm qua hóa chất.

Sứa tươi sẽ có mùi tanh đặc trưng nhưng không bị nồng hay quá khó ngửi.

Nếu mua các loại sứa đông lạnh, sứa khô thì cần kiểm tra kỹ thông tin của nhà sản xuất, thành phần, hướng dẫn sử dụng và hạn sử dụng.

Nộm sứa là món ăn thanh mát, rất thích hợp với những ngày nắng nóng.

Sơ chế sứa

Với sứa tươi, khi mua về bạn cần rửa sứa với nước khoảng 2-3 lần cho sạch đất cát. Ngâm sứa trong hỗn hợp nước muối và phèn chua để sứa được trong và đẹp mắt hơn. Trong quá trình ngâm sứa, hãy thay nước khoảng 2-3 lần. Nếu thấy thịt sứa bắt đầu ngả màu vàng nhạt hoặc hồng đỏ thì đem sứa đi rửa bằng nước sạch và ngâm trong nước lạnh cho bớt mặn trước khi đem chế biến.

Để khử mùi tanh của sứa, hãy cho sứa vào bát và thêm nước cốt 1 quả chanh, một ít muối hạt. Dùng tay bóp sứa trong khoảng 2-3 phút để làm sạch một lần nữa rồi rửa lại sữa bằng nước sạch. Cho sứa ra rổ và để ráo.

Lúc này, bạn sẽ chuẩn bị thêm một nồi nước sôi. Trong nồi nước chần sứa, bạn có thể cho thêm một vài lát gừng để khử mùi tanh của sứa. Cho sứa đã rửa sạch vào chần qua trong khoảng 1 phút. Không chần sứa quá lâu vì miếng sứa sẽ bị teo đi. Sau khi chần xong, lập tức vớt sứa ra và ngâm vào bát nước đá lạnh để giữ độ giòn của sứa. Ngâm sứa trong nước đá khoảng 10 phút là có thể vớt ra, để ráo nước.

Với sứa đã qua sơ chế, bạn chỉ cần lấy sứa ra khỏi bao bì, rửa lại nhiều lần với nước sạch cho bớt mặn và giảm mùi tanh. Rửa sứa với nước chanh để khử mùi. Sau đó, đem sứa đi chần trong nước sôi khoảng 1 phút rồi vớt ra ngâm trong bát nước đá lạnh cho nguội hẳn thì vớt ra.

Nguyên liệu và gia vị làm nộm sứa

Với món nộm sứa, bạn có thể sử dụng cà rốt, dưa chuột, xoài xanh, hành tây. Những nguyên liệu này cần được bào sợi nhỏ.

Ngoài ra, cần chuẩn bị thêm một ít rau mùi, húng quế để tạo độ thơm. Thêm lạc và vừng rang giúp tăng mùi thơm và độ béo bùi.

Sứa cần sơ chế kỹ trước khi làm nộm để không bị tanh.

Phần nước trộn nộn sẽ là nước mắm chua ngọt. Pha nước mắn với đường và nước cốt chanh cho vừa khẩu vị. Khuấy đều cho gia vị hòa tan vào nhau là được. Thêm tỏi và ớt băm tùy theo sở thích.

Đối với phần sứa, trước khi đem trộn rau củ, hãy rưới 1-2 thìa mắm chua ngọt vào trộn đều cho ngấm gia vị. Sau đó mới thêm rau củ và phần mắm còn lại. Cuối cùng, cho rau thơm, rắc thêm lạc rang đập dập và vừng.

Nộm sứa có thể ăn cùng với bánh phồng tôm hoặc bánh đa đều rất ngon.

Sau khi trộn nộm sứa xong thì nên ăn ngay để tránh nộm bị chảy nước.

Có thể chuẩn bị các nguyên liệu và để trong hộp đậy nắp kín, để ở ngăn mát tủ lạnh để giữ độ tươi. Khi ăn thì lấy ra trộn với nước mắm đã pha.

Trong quá trình trộn nộm, nên cho nước mắm từ từ, trộn đều và nhẹ nhàng, nêm nếm cho vừa khẩu vị.

Lạc và vừng sẽ cho sau cùng để giữ được độ giòn ngon.

Tác giả: Thanh Huyền