Ướp thịt làm bún chả Hà Nội cần những gia vị gì?

( PHUNUTODAY ) - Bún chả là món ăn thơm ngon, hấp dẫn được nhiều người yêu. Món này không khó chế biến, bạn hoàn toàn có thể tự nấu tại nhà.

Bún chả là một món ăn đặc trưng của ẩm thực Hà Nội. Thịt được tẩm ướp với các loại gia vị nồi đem nướng chín, tạo mùi thơm hấp dẫn. Thịt nướng sẽ được ăn cùng bún, nước chấm chua ngọt, thêm một ít dưa góp làm từ đu đủ xanh, cà rốt và một số loại rau sống.

Trong món bún chả, thường có hai loại chả là chả viên và chả miếng.

Chả viên sẽ được làm từ thịt nạc vai xay. Nạc vai lợn mềm, có cả nạc và một chút mỡ. Đây là phần thịt phù hợp nhất để làm chả viên, giúp miếng chả mềm và không bị khô. Nếu làm bằng các phần thịt khác, bạn cần trộn thịt nạc với một phần mỡ lợn để chả không bị khô cứng.

Phần chả viên thường làm từ thịt ba chỉ hoặc thịt nách. Miếng thịt có cả nạc cả mỡ, nướng lên không bị khô. Thịt được thái to bản, ngang thớ (nên lọc bỏ phần da để khi nướng thịt không bị cứng, bị cháy khét).

Để ướp thịt, bạn sẽ cần chuẩn bị các gia vị gồm nước mắm, dầu hào, nước hàng (nước màu), đường (có thể cho thêm mật ong), hạt tiêu xay, hành tím và tỏi băm. Ngoài ra, với phần chả viên, nên thêm một thìa dầu ăn hoặc một thìa mỡ nước để thịt không bị khô khi nướng.

Bạn sẽ cần chuẩn bị một phần thịt băm và một phần thịt ba chỉ thái miếng để làm chả viên và chả miếng cho món bún chả.

Bạn sẽ cần chuẩn bị một phần thịt băm và một phần thịt ba chỉ thái miếng để làm chả viên và chả miếng cho món bún chả.

Một điểm đặc biệt mà không phải ai cũng để ý chính là bún chả Hà Nội sẽ không dùng sả để ướp thịt.

Thịt sẽ được ướp với các loại gia vị trên trong ít nhất 30 phút cho ngấm gia vị.

Sau đó, phần thịt viên sẽ được nặn thành những viên tròn nhỏ có kích thước bằng quả quất, nhấn hơi dẹp và để lên vỉ nướng. Trước khi xếp chả lên vỉ, nên phết một lớp dầu ăn để chả không bị dính vỉ. Cẩn thận hơn, bạn có thể gói chả viên vào lá chuối rồi mới xếp lên vỉ nướng. Làm cách này, miếng chả sẽ không bị cháy sạm và thơm hơn.

Phần thịt ba chỉ thái miếng cũng làm tương tự. Xếp lên vỉ và nướng cho chín vàng.

Nướng chả bằng than hoa là ngon nhất. Trong quá trình nướng, thường xuyên lật trở để miếng chả không bị cháy. Ngoài ra, thỉnh thoảng phết một ít dầu ăn/mỡ nước lên chả để chả bóng đẹp, không bị khô.

Nếu không có than hoa, bạn có thể nướng chả bằng nồi chiên không dầu, lò nướng cũng được. Nếu không có các thiết bị này, bạn có thể lựa cho chả vào chảo để rán. Tất nhiên, cách này sẽ không thể mang lại hương vị thơm ngon nhất.

Phần dưa góp chua ngọt ăn kèm bún chả thường có đu đủ xanh, cà rốt thái lát mỏng (không có đu đủ xanh thì có thể thay thế bằng su hào). Các loại rau củ này sẽ được ướp với đường, một chút muối và giấm cho vừa vị.

Nước chấm bún chả sẽ có đường nước lọc, nước mắm, giấm. Cho các nguyên liệu vào nồi, đặt lên bếp đun sôi, nêm nếm cho vừa khẩu vị. Thấy đường tan hết là có thể tắt bếp. 

Bún chả sẽ được ăn với nước chấm nóng. Khi ăn sẽ cho thêm tỏi, ớt băm nhuyễn và hạt tiêu tùy theo khẩu vị. Nếu có cà cuống thì có thể cho thêm vào nước chấm để tạo hương vị nồng ấm và mùi thơm đặc trưng.

Bún chả Hà Nội được ăn kèm với nước nắm chua ngọt, bún rối, dưa góp, rau sống.

Bún chả Hà Nội được ăn kèm với nước nắm chua ngọt, bún rối, dưa góp, rau sống.

Phần rau sống ăn kèm thường có xà lách, kinh giới, tía tô, giá đỗ, rau húng... Đặc biệt, bún chả Hà Nội không thể thiếu rau húng láng. Bún ăn kèm là bún rối, sợi nhỏ.

Ngoài ra, ở một số hàng sẽ bán bún chả kèm với nem rán, nem cua bể. Tùy theo sở thích mà bạn có thể chuẩn bị thêm các món ăn kèm này.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn