Cảnh báo nguy cơ trẻ em Việt bị lạm dụng qua mạng internet

( PHUNUTODAY ) - Ước tính có khoảng 3,3 triệu trẻ em cần bảo vệ đặc biệt và các em có nguy cơ bị bạo lực, con số này chiếm khoảng 12% số trẻ em ở Việt Nam.

Báo Pháp Luật Việt Nam đưa tin, tại buổi họp báo nhân chuyến thăm Việt Nam, bà Marta Santos Pais - Phó Tổng Thư ký (TTK) Liên Hợp quốc (LHQ), Đại diện đặc biệt của TTK LHQ về bạo lực với trẻ em, đánh giá cao những bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em, đặc biệt là những cải cách về thể chế và chính sách.

Bà Marta Santos Pais nhấn mạnh, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em sửa đổi mới được thông qua là công cụ hiệu quả để Việt Nam thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Với nhận định như vậy, bà khuyến nghị Việt Nam cần phân bổ nguồn nhân lực và tài chính để đưa Luật này đi vào cuộc sống. Về phía LHQ, bà khẳng định việc ngăn chặn và đối phó với bạo lực đối với trẻ em là ưu tiên quan trọng của LHQ tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ Kế hoạch Chiến lược Một LHQ giai đoạn 2017-2021, các tổ chức LHQ cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các nỗ lực chấm dứt tất cả các hình thức bạo lực đối với trẻ em bao gồm hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em quốc gia, thay đổi nhận thức và thái độ của xã hội đối với bạo lực đối với trẻ em và khuyến khích trẻ em và người dân lên tiếng khi họ chứng kiến bạo lực xảy ra xung quanh mình.

Ảnh minh họa.

Theo báo Chính Phủ, ứớc tính có khoảng 3,3 triệu trẻ em cần bảo vệ đặc biệt và các em có nguy cơ bị bạo lực, con số này chiếm khoảng 12% số trẻ em ở Việt Nam. Còn vô số trẻ em có nguy cơ bị sao nhãng, lạm dụng, buôn bán và bóc lột tình dục.

Trẻ khuyết tật đặc biệt dễ bị tổn thương và các em có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực, sao nhãng, lạm dụng tình dục cao gấp 3 hoặc 4 lần  các bạn cùng trang lứa. Hơn 1,7 triệu trẻ là lao động trẻ em, 172.500 trẻ không được bố mẹ chăm sóc, 21.000 trẻ em đường phố, 12.000 trẻ em vi phạm pháp luật, 2.381 trẻ có  HIV/AIDS, 1.067 trẻ sử dụng ma túy.

Các số liệu báo cáo thường thấp hơn con số thực tế trẻ em cần chăm sóc và bảo vệ. Các số liệu về bạo lực trẻ em thường không hoàn chỉnh, và ở nhiều quốc gia, Chính phủ ước tính dựa trên các số liệu hành chinh và thường thấp hơn rất nhiều so với các số liệu có được từ các cuộc điều tra độc lập của các tổ chức phi Chính phủ và các học viện tiến hành. Các số liệu ước tính về bạo lực trẻ em ở Việt Nam dựa trên định nghĩa trẻ em là những người dưới 16 tuổi so với thông lệ quốc tế trẻ em là người dưới 18 tuổi.

 “Thay đổi bắt đầu từ mỗi chúng ta. Chúng ta có thể khuyến khích đẩy mạnh phương thức nuôi dạy trẻ em không bạo lực để các bậc làm cha mẹ cảm thấy tự tin khi nuôi nấng con em mình trong một môi trường tích cực, yêu thương mà không có bạo lực về thân thể và trường học thực sự là môi trường học tập an toàn cho mọi trẻ em. Nếu chúng ta chứng kiến một trẻ em là nạn nhân của bạo lực, chúng ta phải hành động để ngăn chặn điều đó và phải báo cáo với chính quyền”, bà Santos Pais phát biểu.

Bên cạnh các bạo lực về thân thể, trẻ em ngày càng có nhiều nguy cợ bị lạm dụng tình dục hoặc bị lợi dụng trên mạng internet. Một thăm dò ý kiến gần đây ở Việt Nam cho thấy 41% thanh thiếu niên ở độ tuổi 18 đã chứng kiến các bạn mình tham gia vào các hành động có nguy cơ trên mạng.

Trên toàn cầu, một trong ba người sử dụng internet là trẻ em và sự phát triển của internet và điện thoại di động đã làm thay đổi  cách thức thanh thiếu niên tìm kiếm thông tin, nhưng cũng mang đến những rủi ro trên thực tế cho trẻ em về lạm dụng qua mạng internet.

>Triệu tập 4 đối tượng vụ chặn xe chở công nhân vì nhà trọ ế khách
(Xã hội) - (Phunutoday) - Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cùng các đơn vị có liên quan trong hôm nay (23/6) sẽ có cuộc đối thoại với người dân để giải quyết sự việc trên.

Tác giả: Explus. Thái