Cha mẹ nên biết: Không phải cứ vào trường top là tương lai sáng, thành đạt phải có 5 phẩm chất này

( PHUNUTODAY ) - Theo chuyên gia giáo dục 5 phẩm chất sau đây mới thực sự quan trọng để giúp một người thành công

Nuôi dạy con cái mong con thành công là điều mà cha mẹ nào cũng mong mỏi. Nhiều người cho rằng con đỗ vào đại học danh tiếng là một sự thành công và dồn mọi áp lực vào việc vào được trường đại học nào, học ở đâu, học ngành gì... 

Ông Liu Daoyu từng là hiệu trưởng Đại học Vũ Hán (Trung Quốc) đã chia sẻ về sự thành công rằng: "Tôi đã làm việc trong lĩnh vực giáo dục đại học gần 60 năm. Mặc dù tôi đã có cho mình kha khá kinh nghiệm trong ngành giáo dục, nhưng có một câu hỏi luôn làm tôi bối rối: Điều gì quyết định sự thành công của sinh viên đại học?

Liệu có phải là bằng cấp cao? Không phải ai đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc thậm chí sở hữu nhiều bằng cấp cao đều có thể trở thành một tài năng xuất chúng. Ngược lại, có một số bạn trẻ dù chưa vào đại học, nhưng nhờ sức tự học tốt vẫn trở nên xuất sắc đấy thôi"

Theo ông thì không phải việc đỗ được vào trường đại học danh tiếng, học ở trường lớn thì sẽ thành công. Việc thành công của một người được cho là phụ thuộc vào 5 yếu tố sau:

Yêu thích việc đọc

Đọc sách được cho là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và trên con đường nạp tri thức. Một người thích đọc sách, ham đọc sách, ham học hỏi thì có thể đọc ở bất cứ đâu, đọc là cách thể hiện con người có chí tiến thủ và chịu khó học hỏi. Nạp càng nhiều thông tin thì con người càng trở nên thông tuệ và mở rộng giới hạn của bản thân hơn. 

Tự học là chìa khóa thành công

Sự kế thừa của nền văn minh nhân loại bắt đầu bằng việc tự học. Do đó, một người không có động lực mạnh mẽ về khả năng tự học, khó có thể trở thành một tài năng xuất chúng. Một số người bẩm sinh có khả năng tự học, một số thì cần một quá trình để phát triển khả năng tự học đó. Nhiều người thành công nhờ tự học chứ không phải học ở một trường lớp bài bản nào cả. 

Trí nhớ là nền tảng của thành công

Trí nhớ có liên quan đến khả năng bẩm sinh, nhưng nó chủ yếu được phát triển thông qua quá trình dài trau dồi. Rèn luyện trí nhớ chính là cách rèn tư duy. Trí nhớ tốt giúp bạn giải quyết vấn đề tốt hơn. Như nhà văn vĩ đại người Nga Gorky đã nói: "Trí nhớ giống như cơ bắp, bạn càng luyện tập, bạn càng mạnh mẽ hơn".

Nghệ thuật và khoa học cần song hành cùng nhau

Cựu hiệu trưởng Đại học Vũ Hán chia sẻ, ông từng là một người theo "chủ nghĩa tối cao về khoa học" và đã không đọc một cuốn tiểu thuyết nào trước tuổi 30 bởi ông cho rằng, như vậy là lãng phí thời gian.

Thế nhưng sau đó chính ông nhận ra rằng đó là sai lầm, ông nhận ra phải bù đắp kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn, và cả những bài học cuộc sống vô cùng sâu sắc.

Trong số nhiều người thành công chúng ta thấy họ vừa là một người có tư duy khoa học vừa là người yêu thích thơ văn và có tính nghệ thuật. Ví như Nobel được biêt với tư cách một nhà phát minh, khoa học vĩ đại trong thế kỷ 19, nhưng chính ông cũng là một nhà văn, nhà thơ và dịch giả tài năng, thành thạo năm ngôn ngữ. Và cũng ít người biết rằng, nhà hóa học Roy Hoffmann - người đã được trao giải Nobel Hóa học vào năm 1981 cho phát minh về "định luật bảo toàn đối xứng quỹ đạo", đã xuất bản nhiều bài thơ và bài tiểu luận cùng một lúc.

Do đó, bạn hãy đặt nền tảng vững chắc cho kiến thức đa lĩnh vực, bao gồm cả khoa học, nghệ thuật tự do...

Nhận thức là trạng thái học tập cao nhất

Nhận thức là hành động hay quá trình tiếp thu kiến thức và những am hiểu thông qua suy nghĩ, kinh nghiệm và giác quan, bao gồm các quy trình như là tri thức, sự chú ý, trí nhớ, sự đánh giá, sự ước lượng, sự lý luận, tính toán, việc giải quyết vấn đề, việc đưa ra quyết định, sự lĩnh hội và việc sử dụng ngôn ngữ.

Trên thực tế, sự khác biệt giữa học tập giữa các học sinh không nằm ở điểm số, mà nằm ở sự hiện diện hay vắng mặt của hiểu biết. Nhận thức không liên quan gì đến lượng kiến thức mà bạn thu nạp được, và cũng không liên quan gì đến trình độ học vấn và bằng cấp. Một người có sự phát triển sinh lý bình thường đều có một sự hiểu biết tiềm năng cần được khai mở.

Bởi vậy nếu bạn đang kỳ vọng quá lớn vào việc con mình đỗ vào trường đại học danh tiếng thì có thể tham khảo ý kiến của ngài hiệu trưởng này. Để từ đó bạn giảm đi áp lực cho chính mình và cho con, biết đâu từ đó lại mở ra con đường thành công rạng ngời hơn. Việc đỗ vào trường đại học danh tiếng là niềm vui lớn nhưng đừng xem đó là con đường duy nhất để thành công, để thể hiện bản thân. Đôi khi đặt áp lực quá lớn và sự thất vọng của bạn khi con không vào được trường danh tiếng lại chính là cách chặn đứng con đường thành công của trẻ. 

Tác giả: An Nhiên