Sai lầm thường hay gặp khi điều trị cho trẻ
Bắt trẻ đeo khẩu trang cả ngày
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y cho hay, nếu bắt trẻ phải đeo khẩu trang 24/24 nhất là khi ngủ sẽ làm trẻ bị thiếu oxy, ảnh hưởng hô hấp. Cha mẹ cố gắng cho trẻ vui chơi nhẹ nhàng, không cấm trẻ vui chơi, tập thể dục. Đây là cách để theo dõi trẻ có bình thường không, chỉ hạn chế trẻ hoạt động mạnh, ra nhiều mồ hôi.
Không thiết lập đường dây cố định với nhân viên y tế
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, quá trình chăm sóc trẻ mắc Covid-19 tại nhà, người chăm sóc nên thiết lập đường dây cố định với nhân viên y tế. Hiện nay, có nhiều đường dây nóng của hệ thống y tế, chúng ta nên chọn 1 đường dây để theo ngay từ đầu.
Sử dụng sai máy đo SpO2
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu lưu ý thêm về việc chọn thiết bị đo chỉ số SpO2. Thiết bị này có nhiều loại dành cho người lớn, trẻ em và trẻ sơ sinh. Đa phần các gia đình mua thường mua 1 loại và dùng chung cho cả nhà.
"Đây là nguyên nhân sai chỉ số SpO2 của trẻ. Tôi thường nhận những cuộc điện thoại ban đêm báo SpO2 của trẻ 78% hay 80% nhưng thực tế là đo sai.
Nhiều trường hợp kết nối video call với bác sĩ mới biết mình đo ngược. Với trẻ em, có thể dùng máy của người lớn để đo nhưng chú ý chọn ngón chân to (ngón chân cái) ngón tay chỉ dùng 2 ngón tay nếu tay quá bé.
Chúng ta đo nhiều lần, kết hợp giữa triệu chứng lâm sàng và đo SpO2 để đánh giá tình trạng của trẻ. Ví dụ cháu hồng hào, bình thường nhưng đo SpO2 chỉ 80%, 90% đừng vội lo lắng, hãy bình tĩnh đo lại", PGS Hiếu nói.
Dùng sai thuốc hạ sốt
Về thuốc hạ sốt, phụ huynh chỉ cho con uống khi sốt 38.5 độ C trở lên, liều lượng phải theo cân nặng. Không được dùng thuốc người lớn pha cho trẻ uống.
"Tôi đã gặp trường hợp bí quá, không có sẵn thuốc nên phụ huynh đã lấy thuốc người lớn, bẻ đôi và thả vào nước cho con uống khiến cháu có thể bị ngộ độc Paracetamol, gây suy gan cấp", PGS.TS Hiếu lưu ý.
Lựa chọn bệnh viện
Khi trẻ có các dấu hiệu thở nhanh, khó thở dữ dội, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú, tím môi đầu chi, chi lạnh, nổi vân tím… bằng mọi cách, phụ huynh phải đưa trẻ vào bệnh viện. Phụ huynh hãy đưa trẻ vào bệnh viện gần nhất có khả năng điều trị Covid thay vì lựa chọn bệnh viện tốt. Vì có nhiều trường hợp cháu bé chỉ đến viện chậm chút đã bị suy hô hấp nặng, ảnh hưởng đến tính mạng.
Dùng thuốc chống đông, chống viêm
Về vấn đề dùng thuốc một số phụ huynh khi chăm sóc trẻ mắc Covid-19 nghe lời khuyên trên mạng, cho trẻ uống thuốc chống đông, chống viêm.
"Đây là việc rất nguy hiểm. Các nghiên cứu đã chứng minh, trẻ nhỏ khả năng đề kháng với virus tốt hơn và các cơn bão cytokine ít hơn so với người lớn. Các loại thuốc này chỉ dùng cho người lớn và được sự đồng ý, kê đơn của bác sĩ. Với trẻ em tuyệt đối không nên dùng", PGS Hiếu khuyến cáo.
Lưu ý khi chăm trẻ F0 tại nhà
Theo Bộ Y tế, 55% trẻ em mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hay tiêu hóa, triệu chứng trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Trẻ dưới 12 tháng có nguy cơ cao diễn tiến nặng.
4 mức độ bệnh ở trẻ mắc Covid-19, gồm:
Mức độ nhẹ: Trẻ không có triệu chứng lâm sàng hoặc triệu chứng không điển hình như sốt, đau họng, ho, chảy mũi, tiêu chảy, nôn, đau cơ, ngạt mũi, mất khứu/vị giác, không có triệu chứng của viêm phổi.
Nhịp thở trẻ bình thường, không có biểu hiện của thiếu oxy, SpO2 trên 96% khi thở khí trời. Trẻ tỉnh táo, sinh hoạt bình, bú mẹ, ăn uống bình thường. Chụp X-quang phổi bé bình thường. Tuy nhiên, trẻ có bệnh nền: béo phì, bệnh phổi mãn, suy thận mạn, gan mật, dùng corticoid kéo dài, suy giảm miễn dịch, tim bẩm sinh... theo dõi sát vì dễ diễn biến nặng.
Mức độ trung bình: Trẻ có triệu chứng viêm phổi nhưng không có dấu hiệu viêm phổi nặng và rất nặng, SpO2 94 - 95% khi thở khí trời. Trẻ tỉnh táo, mệt, ăn uống ít hơn. Chụp X-quang phổi có tổn thương dạng mô kẽ, kính mờ, thường ở 2 đáy phổi.
Nhóm trẻ này cần được đưa đến viện, có thể dùng các biện pháp hỗ trợ hô hấp như oxy gọng kính, dùng thuốc kháng sinh, remdesivir...
Mức độ nặng: Trẻ có một trong các dấu hiệu gồm triệu chứng viêm phổi nặng song chưa có dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng. Trẻ thở nhanh kèm co rút ngực hoặc thở rên, phập phồng cánh mũi, khó chịu, quấy khóc, ăn uống khó. SpO2 từ 90 đến dưới 94%. Chụp X-quang phổi có tổn thương dạng mô kẽ, kính mờ lan tỏa trên 50% phổi.
Mức độ nguy kịch: Trẻ có các dấu hiệu như suy hô hấp nặng SpO2 dưới 90%, cần đặt nội khí quản. Các dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng như tím tái, thở bất thường, rối loạn nhịp thở, ý thức giảm khó đánh thức hoặc hôn mê, bỏ hoặc không ăn uống được. Trẻ có thể mắc hội chứng suy hô hấp tiến triển, huyết áo tụt, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, hội chứng viêm hệ thống, cơn bão cytokin.
Trong quá trình chăm sóc và điều trị COVID-19 cho trẻ tại nhà, cần chú ý việc sử dụng thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C, uống thêm nước và chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, .... Không tự ý dùng thuốc chống viêm, chống đông khi không có ý kiến bác sĩ. Bên cạnh đó, người chăm sóc trẻ cũng cần lưu ý các dấu hiệu chuyển nặng như thở nhanh, khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú, tím môi, đầu chi, chi lạnh tái, nổi vân tím để đưa ngay trẻ đến cơ sơ y tế nhằm có biện pháp điều trị kịp thời cho trẻ.
Trẻ nhỏ mắc Covid-19 điều trị tại nhà, cha mẹ cần trấn an tinh thần, tạo điều kiện cho trẻ vui chơi; đặc biệt lưu tâm đến những dấu hiệu trở nặng như sốt cao, khó thở, phát ban...
Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh (Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), cho biết những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ trẻ diễn tiến nặng như bú kém, nôn ói, không tỉnh táo, khó thở, co giật. Trẻ sốt cao, đau họng, đỏ mắt, đỏ môi, lưỡi đỏ như trái dâu tây, tay chân sưng phù, phát ban...
Phụ huynh cần cập nhật thường xuyên các chỉ số nhịp thở, mạch, nhiệt độ, huyết áp và SpO2 (nếu có) cho con. Trường hợp phát hiện trẻ có nhịp thở nhanh: trên 40 lần/ phút với nhóm 1-5 tuổi và trên 30 lần/phút với nhóm 5-12 tuổi; hoặc SpO2 dưới 95% (ở tất cả nhóm tuổi), nên báo ngay cho nhân viên y tế.
Khi con có dấu hiệu sốt trên 38,5 độ, cho uống thuốc hạ sốt paracetamol. Tính liều uống theo cân nặng của trẻ, liều cụ thể được khuyến cáo là 10-15mg/kg/lần, lặp lại sau 4-6 tiếng, không quá 4 lần/ngày.
Bé ho, nên giảm ho bằng thảo dược hoặc thuốc giảm ho theo chỉ định của nhân viên y tế. Cho con uống bổ sung nước và điện giải, không tự ý dùng kháng sinh hoặc các thuốc kháng viêm, thuốc khác khi không có chỉ dẫn từ bác sĩ.
Nên cho con mặc quần áo rộng rãi, ở không gian khô thoáng, thường xuyên vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng sạch sẽ. Cho con ăn nhiều bữa trong ngày, tập thể dục nhẹ nhàng, tập các bài tập phục hồi như hít sâu, thở đều.
Cha mẹ cần bình tĩnh để có thể hỗ trợ tâm lý, động viên và trấn an tinh thần cho con. Giúp bé duy trì những nếp sinh hoạt bình thường, tạo điều kiện vui chơi giải trí tại nhà và hướng dẫn con cách hành động để giảm sự lây lan của dịch bệnh.
Trẻ cần nhập viện khi nào?
Theo phác đồ điều trị Bộ Y tế có những khuyến cáo các triệu chứng cần cho trẻ mắc Covid-19 nhập viện như: trẻ thở nhanh, kém ăn, bỏ bú, thậm chí là trẻ ăn uống được nhưng kém hơn một chút, chỉ số SpO2 dưới 96%.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y cho biết, trẻ mắc Covid-19 chỉ cần theo dõi, điều trị tại nhà, một tỷ lệ rất nhỏ vào viện khám. Với những trẻ có triệu chứng thở nhanh, chỉ số SpO2 giảm, bác sĩ cần chỉ định chụp X-quang, nếu X-quang bình thường thì kiểm tra lại, có thể cho trẻ về nhà.
Trẻ chuyển nặng và nguy kịch khi SpO2 tụt, trẻ kém ăn, bỏ bú, tổn thương phổi rõ rệt, thậm chí có trường hợp bị sốc, suy đa phủ tạng, phải thở máy… Trường hợp này, trẻ bắt buộc phải nhập viện.
Tác giả: Vũ Ngọc
-
Những ai tuyệt đối không được dùng Monulpiravir - thuốc được coi là 'chìa khoá' chữa Covid-19?
-
Bị F0 nên ăn gì để nhanh chóng khỏi bệnh?
-
Bé 2 tuổi mắc hậu Covid nguy kịch, bác sĩ cảnh báo 4 dấu hiệu liên quan tới tim mạch, thần kinh, MIS-C
-
Trẻ mắc Covid-19 ở Hà Nội sẽ điều trị ở viện nào?
-
Trẻ là F0 có nên xông họng hay không: Bs Nhi chỉ cách chăm sóc trẻ nhanh âm tính, hạn chế biến chứng