Chàng trai bị tắc ruột phải cấp cứu vì thói quen bỏ cơm, uống trà sữa triền miên

( PHUNUTODAY ) - Trường hợp của chàng trai trong câu chuyện dưới đây là một lời cảnh tỉnh đến giới trẻ bỏ ngay thói quen sai lầm này:

Ngày 19/8, Đơn vị Ngoại - Trung tâm Khám chữa bệnh chất lượng cao, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhân Nhật L (20 tuổi, trú tại Hạ Hòa - Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều, nôn, bụng chướng, chụp cắt lớp có hình ảnh tắc ruột, siêu âm các quai ruột giãn to.

Trước khi nhập viện 20 ngày, bệnh nhân đau bụng và khoảng 6 ngày trở lại đây đau dữ dội, được người nhà đưa vào bệnh viện tuyến huyện khám. Sau 5 ngày điều trị không đỡ, nên đã được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột do bã thức ăn.

Người nhà bệnh nhân chia sẻ, L có thói quen ăn uống không khoa học, thường xuyên uống trà sữa, bỏ cơm. Sau khi được chẩn đoán các bác sĩ đã tiến hành mổ dạ dày, mở ruột lấy 2 khối bã thức ăn to trong dạ dày và ruột non.

Bác sĩ Trần Thanh Tùng - Phó trưởng đơn vị Ngoại - Trung tâm Khám chữa bệnh chất lượng cao cho biết, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc cao, hoại tử ruột, suy đa tạng và gây nguy hại đến tính mạng.

Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần ăn uống khoa học, ăn chín uống sôi, hạn chế đồ ăn nhanh, ăn vặt. Hạn chế sử dụng nước ngọt, nước có ga, trà sữa, tẩy giun theo định kỳ.

Chúng ta cần lưu ý gì khi uống trà sữa?

- Để uống trà sữa vẫn tốt cho sức khỏe chúng ta nên chọn trà sữa đảm bảo các tiêu chí như chế biến tại các cửa hàng uy tín, sử dụng loại nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sử dụng loại ít đường hoặc không đường, sử dụng sữa tươi để pha trà sữa, không phải sữa đặc hay kem béo.

Một ly trà sữa trân châu có thể không có tác động đến sức khỏe, nhưng đây không phải là món đồ uống có thể sử dụng hàng ngày. Không nên cho trẻ nhỏ sử dụng trà sữa. Không uống trà sữa thay cho các bữa chính.

Tác giả: Mộc