Covid-19 có thể lây từ tầng này sang tầng khác trong chung cư do "thủ phạm" này

( PHUNUTODAY ) - Các chuyên gia nói rằng, virus SARS-CoV-2 có thể lây theo cả chiều dọc và chiều ngang, thông qua đường thông gió chung của toà nhà. Do đó, cư dân cần chú ý những điều sau.

Cụ thể, ngày 2/8 chung cư Vạn Đô quận 4 TP.HCM phát hiện 5 trường hợp F0 sống tại 2 căn hộ liền kề cùng tầng. Tiếp đó, chung cư ghi nhận thêm vài ca dương tính với SARS-CoV-2 và nhiều người có triệu chứng bất thường ở 5 tầng khác trong tòa nhà.

Đến ngày 6/8, Ban quản lý chung cư Vạn Đô xét nghiệm nhanh các hộ thuộc trục dọc với nhà có F0 để đánh giá mức độ lây nhiễm qua đường thông gió. Kết quả, có thêm 3 ca dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện ở 3 tầng khác cùng một trục căn hộ.

Sơ đồ các căn hộ có ca nhiễm (A) và Sơ đồ các tầng (B) (Ảnh: Tiền Phong)

Tương tự, chung cư Tam Phú, TP.Thủ Đức cũng ghi nhận một số ca mắc Covid-19. Đáng chú ý, các căn hộ này cùng một block, cùng trục đứng và cùng có người mắc Covid-19 như các căn 06.34 (căn hộ số 34 tầng 6), 15.34, 16.34, 19.34 của block A3 hoặc các căn hộ 13.12, 15.12 của block A3, các căn 01.07 và 04.07 của block A1. Nhóm căn hộ này lấy gió chung từ một giếng trời, nhất là quạt thông gió từ các nhà vệ sinh.

Cư dân cho rằng virus SARS-CoV-2 đã lây qua đường không khí, vào nhà từ quạt thông gió ở các nhà vệ sinh của căn hộ hoặc từ cống thoát nước. Do đó, cư dân tự ý tắt quạt thông gió, bít kín lại hoặc bịt luôn đường thoát nước ở nhà vệ sinh khi không sử dụng. Một số hộ còn khuyên nhau hạn chế vô nhà vệ sinh.

Savills Việt Nam, đơn vị quản lý chung cư Saigon Pearl, TP.Thủ Đức cũng gửi văn bản cảnh báo đến cư dân nói rằng, tại một số chung cư ở TPHCM có báo cáo về hiện tượng cư dân sống trong các căn hộ ở cùng một trục đứng của tòa nhà bị nhiễm SARS-CoV-2.

Các trường hợp phát tán virus có thể xảy ra tại chung cư (trái) và khả năng nhiễm bệnh (phải) tại các căn hộ chung cư.(Ảnh: Tiền Phong)

Theo El Pais, một nghiên cứu về dịch tễ học tại một tòa nhà ở Seoul, Hàn Quốc, nơi có 8 người nhiễm Covid-19 trong 5 căn hộ dùng chung hệ thống thông gió trong phòng tắm, kết luận: không có sự tiếp xúc nào khác giữa những người bị nhiễm ngoài ống dẫn khí chung giữa các căn hộ.

Theo PGS.TS Trần Văn Hiếu- Khoa Sinh học vầ Công nghệ Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM, khi có một ca mắc Covid-19 trong toà nhà, các con đường lây nhiễm khả thi có thể nghĩ tới là thông qua không gian chung như thang máy hay gián tiếp tiếp xúc bằng các nút thang máy.

Ồng Trần Văn Hiếu cũng cho hay, trong một nghiên cứu theo phương pháp Ator, Winair kết hợp với mô hình mô phỏng với các thông số từ hai căn hộ Amoy Gardens (Hong Kong-Trung Quốc) cho thấy, virus SARS-CoV-2 có thể được phát tán theo cả chiều dọc và chiều ngang, thông qua các đường thông gió chung của toà nhà và dưới sự có mặt của lực nổi (hướng lên) và gió (hướng xuống).

Để ngăn chặn sự phát tán của virus trong các khu chung cư, PGS.TS Trần Văn Hiếu đề nghị đóng và thường xuyên khử khuẩn các cửa sổ, cửa lùa; chặn một chiều ống thông hơi tại các đường ống thống thông khí chung; sử dụng các tấm lọc Hepa hay Ulpa nếu buộc phải sử dụng hệ thống điều hoà; dùng tấm lọc carbon để loại bỏ bớt CO2 trong nhà; tận dụng tối đa sự lưu thông khí tự nhiên, mở cửa sổ nếu có thể và kiểm soát độ ẩm vào khoảng 40-60%; thường xuyên khử khuẩn các bề mặt như tay nắm cửa, lỗ thông gió, vị trí thoát nước trong nhà vệ sinh.

Trong khi đó, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, virus có thể bay vào các căn hộ liền kề hoặc đối diện nhau có chung không gian thông gió ở hành lang. Do đó, các cửa chính ra hành lang chung cư, cửa thông gió ở hành lang, cửa sổ có hướng quay ra hành lang hoặc nhìn thẳng sang căn hộ đối diện cần đóng chặt.

Tác giả: Minh Tú