Dịch cúm A bùng phát, phụ huynh cần đưa trẻ nhập viện ngay nếu thấy những dấu hiệu nguy hiểm này

( PHUNUTODAY ) - Hiện nay, dịch cúm A đang diễn biến phức tạp, số lượng trẻ nhập viện đang gia tăng từng ngày. Nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng.

Trẻ bị cúm A cần nhập viện khi nào?

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), bệnh cúm năm nào cũng có, trừ những dạng cúm đặc biết như cúm H5N1, H1N1, H7N9 mới gây bệnh nặng còn lại là cúm mùa thông thường. Cúm mùa có thể phát triển thành dịch nhưng thường rất nhẹ.

Trẻ nhỏ là đối tượng có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên có nguy cơ mắc cúm cao hơn. Ngoài ra, vào giai đoạn giao mùa kết hợp với ô nhiễm không khí như hiện nay, trẻ càng dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Giống như người lớn, trẻ mắc cúm thường có biểu hiện bạn đầu như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi.

Sau khoảng 2 ngày tiếp xúc với virus cúm, trẻ có thể xuất hiện các biểu hiện như sốt nhẹ rồi tăng dần (có thể sốt trên 39 độ C), có cảm giác ớn lạnh, ho, đau họng, đau tai, chảy nước mắt mũi, mệt mỏi, kém ăn, tiêu chảy.

Đối với trẻ lớn, có thể xuất hiện thêm các biểu hiện như đau cơ, đau mỏi chân tay, nhức hốc mắt...

Bệnh cúm thông thường sẽ sẽ khỏi trong vòng từ 4-7 ngày sau khi hạ sốt và các triệu trứng khác biến mất. Tuy nhiên, tình trạng ho và mệt mỏi vẫn có thể kéo dài. Một số trường hợp bệnh nặng, điều trị không đúng cách có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là dẫn tới tử vong.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh, trường hợp trẻ bị cúm và xuất hiện những biến chứng nguy hiểm sau thì cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.

- Biến chứng viêm đường hô hấp (viêm họng, thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản kịch phát…).

- Viêm nhiễm ngoài hô hấp (viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim...).

Nếu nhiễm cúm A/H1N1 biến chứng dẫn đến viêm đường hô hấp trên, còn nhiễm cúm A/H5N1 thì dễ biến chứng gây viêm phổi nặng. Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm là hội chứng Reye gây sưng tấy trong gan và não. Biến chứng này thường gặp ở trẻ 12-16 tuổi.

Nếu cảm thấy mệt mỏi quá mức so với bình thường, chuyên gia khuyên người dân nên đến các cơ sở y tế để thăm khám càng sớm càng tốt.

Các phòng ngừa cúm A

Người dân có thể chủ động phòng cúm bằng cách tiêm vắc xin hàng năm. Đây cũng được xem là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm mùa và giúp làm giảm nhẹ các triệu chứng nếu mắc phải các chủng cúm khác do tính miễn dịch chéo trong vắc xin.

Ngoài ra, người dân cần phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Khi ho hoặc hắt hơi nên che miệng. Vệ sinh thân thể và môi trường sống thật tốt.

Hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, giữ khoảng cách an toàn (>1m).

Khi đến những nơi đông người như bệnh viện, siêu thị, công viên, rạp chiếu phim... nên đeo khẩu trang y tế.

Bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả trong khẩu phần ăn và tăng cường tập luyện thể dục, thể tao để nâng cao sức đề kháng.

Tác giả: Thanh Huyền