Điều khiển xe không có gương chiếu hậu sẽ bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?

( PHUNUTODAY ) - Người điều khiển xe không có gương, kính chiếu hậu đối với xe máy thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?

Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe không kính chiếu hậu (xe máy) được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:

Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng;...Theo đó, người điều khiển xe không kính chiếu hậu bên trái (xe máy) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Nếu xe máy chỉ lắp 01 kính chiếu hậu mà kính được lắp là kính bên trái thì người điều khiển xe sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Người điều khiển xe không có gương, kính chiếu hậu đối với xe máy thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền? (Ảnh minh họa)

Người điều khiển xe không kính chiếu hậu đối với xe ô tô thì bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?

Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe ô tô không đủ kính chiếu hậu được quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 9 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:

Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông...

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe không có đủ đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu, cần gạt nước, gương chiếu hậu, dây an toàn, dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy, đồng hồ báo áp lực hơi, đồng hồ báo tốc độ của xe hoặc có những thiết bị đó nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế (đối với loại xe được quy định phải có những thiết bị đó), trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm m khoản 3 Điều 23, điểm q khoản 4 Điều 28 Nghị định này;...

9. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1; khoản 2; điểm b, điểm c khoản 3; điểm c, điểm d khoản 4; điểm b khoản 5; điểm d khoản 6 Điều này buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định;...

Theo quy định trên, người điều khiển xe không kính chiếu hậu (xe ô tô) thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng và bị buộc lắp đủ kính chiếu hậu theo đúng quy định.

Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông được quyền xử phạt người điều khiển xe không kính chiếu hậu không?

Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát giao thông như sau:

Phân định thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt...

2. Cảnh sát giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại các điểm, khoản, điều của Nghị định này như sau:...

đ) Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 27;...

Thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông được quy định tại khoản 6 Điều 76 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 28 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:

Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân...

6. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm c, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 4 Nghị định này.

Như vậy, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao nhất là 75.000.000 đồng.

Do người điều khiển xe không kính chiếu hậu có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 200.000 đồng (đối với xe máy) và cao nhất là 400.000 đồng (đối với xe ô tô) nên Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông có quyền xử phạt người này.

Điều kiện xe máy cần đáp ứng khi tham gia giao thông?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới, theo đó:

“Điều 53. Điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới

1. Xe ô tô đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sau đây:

a) Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;

b) Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực;

c) Tay lái của xe ô tô ở bên trái của xe; trường hợp xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ;d) Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu;

đ) Có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe;

e) Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển;

g) Kính chắn gió, kính cửa là loại kính an toàn;

h) Có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật;

i) Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường;

k) Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định.

2. Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, h, i và k khoản 1 Điều này.

3. Xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

4. Chính phủ quy định niên hạn sử dụng đối với xe cơ giới.

5. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới được phép tham gia giao thông, trừ xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.”

Như vậy, khi tham gia giao thông xe mô tô hai bánh cần phải đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông.

Bên cạnh đó phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và phải có đầy đủ có đủ hệ thống hãm có hiệu lực; Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực, Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu; Có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe; Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển; Có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật; Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường.

Xe máy bắt buộc phải lắp gương bên nào?

Căn cứ theo Quy chuẩn QCVN 14:2015/BGTVT quy chuẩn về gương chiếu hậu quy định rằng xe mô tô 02 bánh phải lắp gương chiếu hậu ở bên trái và bên phải của người lái. Bên cạnh đó, gương chiếu hậu sử dụng lắp trên xe là loại gương phải đáp ứng các yêu cầu được quy định trong Quy chuẩn.

Cùng với đó Gương chiếu hậu phải được lắp đặt chắc chắn để người lái có thể điều chỉnh dễ dàng tại vị trí lái và có thể nhận rõ hình ảnh ở phía sau với khoảng cách tối thiểu 50 m về phía bên phải và bên trái.

Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm còn trong trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm, nhưng phải nằm được trong một hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 thì chỉ xử phạt đối với việc điều khiển xe không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng. Như vậy, căn cứ theo tiêu chuẩn thì xe mô tô 02 bánh khi tham gia giao thông thì cần phải có cả gương bên trái và gương bên phải. Nhưng thực tế khi tham gia giao thông người lái xe chỉ cần có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển.

Tác giả: Vũ Ngọc