Đối tượng dễ bị biến thể Omicron tấn công nhất: WHO cảnh báo dịch có thể tăng vọt, lây lan toàn cầu mức cao

( PHUNUTODAY ) - Tổ chức Y tế thế giới WHO đã đưa ra khuyến nghị cho các nước trong bối cảnh nỗi lo về biến thể Omicron tăng cao.

Hãng Reuters ngày 29.11 đưa tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra thông tin kỹ thuật và khuyến nghị các hành động ưu tiên cho 194 thành viên nhằm đối phó biến thể Omicron gây Covid-19.

Theo đó, khả năng Omicron lây lan thêm ở mức toàn cầu là cao và tùy theo tính chất của biến thể này, “có thể sẽ có sự tăng vọt của Covid-19, với khả năng gây hậu quả nghiêm trọng”.

WHO xếp Omicron (B.1.1.529) vào diện biến thể đáng lo ngại dựa trên khuyến cáo của nhóm cố vấn kỹ thuật về sự tiến hóa của virus.

Omicron có từ nhiều đột biến ở protein gai, gây quan ngại và có thể liên quan đến khả năng tránh né hệ miễn dịch với sức lây lan cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn như mức lây nhiễm và liệu sự gia tăng ca nhiễm có liên quan khả năng biến thể này chống lại hệ miễn dịch hay không.

WHO khuyến cáo các nước thành viên nên tăng cường giám sát và phân tích trình tự gien để hiểu rõ hơn về các biến thể đang lây lan, trong đó có Omicron.

Bên cạnh đó, các nước cần báo cáo những ca, cụm nhiễm Omicron đến WHO, tăng tốc tiêm vắc xin càng nhanh càng tốt, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ cao mà chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ.

Các nước nên sử dụng cách tiếp cận dựa trên nguy cơ để điều chỉnh các biện pháp đi lại quốc tế kịp thời.

WHO khuyến cáo sử dụng khẩu trang, duy trì khoảng cách, giữ không gian trong nhà thông thoáng, tránh các đám đông và vệ sinh tay để giảm lây nhiễm Covid-19, ngay cả trong bối cảnh biến thể Omicron xuất hiện.

Việc truy vết tiếp xúc các ca nhiễm Covid-19 nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm được khuyến cáo mạnh mẽ. Các nước cần đảm bảo hệ thống cảnh báo sớm hoạt động nhằm thông tin về những điều chỉnh đối với các biện pháp y tế, xã hội nhằm phòng chống dịch.

Song song đó, các nước cần đảm bảo có những kế hoạch giảm nhẹ nhằm duy trì dịch vụ y tế cơ bản và nguồn lực y tế cần thiết để đối phó với khả năng số ca nhiễm gia tăng gây áp lực lên hệ thống y tế.

Cơ quan chức năng cần thường xuyên thông tin dựa trên chứng cứ về biến thể Omicron và các biến thể đang tồn tại khác, cũng như khả năng tác động của chúng một cách kịp thời và minh bạch đến với người dân, bao gồm những gì đã biết, chưa biết và những gì đang tiến hành, theo khuyến nghị của WHO.

Đối tượng nào dễ bị Omicron tấn công?

Omicron được phát hiện lần đầu tại Nam Phi chủ yếu ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi dưới 25.

Khi đề cập đến nhóm đối tượng này, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla nhận định: “Họ có nguy cơ mắc bệnh rất lớn”. Trong khi đó, Giáo sư Anne von Gottberg thuộc Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, biến thể Omicron đã được phát hiện trong khoảng 100 bộ giải trình tự gen.

Trước sự xuất hiện của Omicron, giáo sư Adrian Puren - quyền giám đốc điều hành của Viện Quốc gia Nam Phi về Các bệnh truyền nhiễm nhận định: “Không quá ngạc nhiên khi phát hiện ra biến thể mới ở Nam Phi. Mặc dù các dữ liệu còn hạn chế nhưng các chuyên gia của chúng tôi vẫn đang tăng cường phối hợp với tất cả các hệ thống giám sát để tìm hiểu những tác động tiềm ẩn của biến thể mới.”

Tác giả: Thạch Thảo