Đóng bảo hiểm 20 năm được hưởng lương hưu bao nhiêu?
Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người lao động đủ tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu.
Theo đó, tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, từ ngày 01/01/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75% tiền lương tháng đóng BHXH.
Như vậy, lao động nam đủ điều kiện về hưu năm 2022 đóng đủ 20 năm BHXH thì được hưởng lương hưu bằng 45% tiền lương tháng đóng BHXH.
Còn lương hưu của lao động nữ đủ điều kiện về hưu năm 2022 được tính như sau:
- Đóng đủ 15 năm BHXH thì được 45% tiền lương tháng đóng BHXH.
- Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%.
Do đó, lao động nữ đủ điều kiện về hưu năm 2022, đóng đủ 20 năm BHXH sẽ nhận được lương hưu với tỷ lệ 55% tiền lương tháng đóng BHXH.
Đối tượng nào nghỉ hưu năm 2022 được hưởng lương hưu tối đa?
Cách tính số năm đóng bảo hiểm xã hội để nghỉ hưu được hưởng lương tối đa:
Số năm đóng BHXH để hưởng lương tối đa= (Số năm đóng BHXH để hưởng lương 45%, xét theo năm về hưu) + 15
Như vậy, lao động nam đóng đủ 35 năm BHXH, đủ điều kiện về hưu năm 2022 sẽ nhận được lương hưu với tỷ lệ 75% tiền lương tháng đóng BHXH, đây là tỷ lệ tối đa. Còn lao động nữ, đóng đủ 30 năm BHXH, đủ điều kiện về hưu từ năm 2022 sẽ nhận được lương hưu tối đa.
Trong trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc, nhưng về hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động, sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu thì theo nguyên tắc mức hưởng lương hưu được tính như trên với mức tối đa 75%; sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Vì vậy những trường hợp bị trừ tỷ lệ lương hưu sẽ không được hưởng lương hưu với mức tối đa.
Bảo hiểm xã hội là an sinh tuổi già
Việc đưa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế về với người dân vùng khó khăn không dễ thực hiện. Một cách làm hay đang được thực hiện ở nhiều địa phương đó là tổ chức đại lý thu BHXH tại các địa bàn giao cho chị em phụ nữ quản lý. Chị em là người quản lý ngân sách chi tiêu của mỗi gia đình, chị em xóm giềng gần gũi vận động và phát triển nhanh, hiệu quả nhất việc đóng BHXH tự nguyện trong cộng đồng.
Cụ thể, tại xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, hàng ngày bà Loan (Đại lý Bảo hiểm xã hội xã Hoa Thủy) không ngại nắng, ngại gió cần mẫn theo lịch hẹn đến từng nhà, hoặc đội nắng ra đồng để trò chuyện về chuyện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với từng chị em. Hiểu chính sách chính sách, hiểu tình cảnh của từng nhà giúp bà dễ nhập cuộc khi thuyết phục họ tham gia BHXH tự nguyện. Nhiều lần được chị Loan tư vấn, bà Phiên (thôn Xuân Bắc 3, Hoa Thủy) đã cân đối thu nhập trong nhà mỗi tháng dành một khoản để đóng bảo hiểm tự nguyện cho con mình.
Hoa Thủy là xã khó khăn vùng cát ven biển. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông, thu nhập bấp bênh, người già cơ bản sống nhờ con, cháu. Từ khi được tuyên truyền, vận động, hiện xã Hoa Thủy có hơn 370 người tham gia bảo hiểm tự nguyện tương đương 10% lực lượng lao động trong độ tuổi trong xã, cao gấp hơn 4 lần mức trung bình chung của cả nước và hơn 2.000 người tham gia BHYT hộ gia đình.
Trích một ngày công đủ đóng bảo hiểm 1 tháng
"Bảo hiểm xã hội - Điểm tựa của bạn và gia đình" là thông điệp đang được truyền thông mạnh mẽ để người dân, lao động tự do, kể cả các hộ nghèo hiểu rõ hơn về ý nghĩa, vai trò, tính nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, quyền và lợi ích khi tham gia. Mỗi người có thể lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội với hình thức bắt buộc hoặc tự nguyện, hướng tới một tuổi già có lương hưu, an nhàn và không phụ thuộc.
Với những người nông dân, lao động tự do cũng có thể tự lo lương hưu cho mình đó là tham gia BHXH tự nguyện. Với nhiều lao động, chỉ 1 ngày công khoảng 300 nghìn đồng để dành là đủ mức đóng 1 tháng bảo hiểm. Khi không có nguồn thu nhập ổn định, không nơi nương tựa sẽ khiến nhiều lao động tự do sẽ phải đối mặt với rủi ro trong cuộc sống khi tuổi cao sức yếu. Nếu lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện ngay bây giờ, khi đến tuổi về hưu chúng sẽ có một tấm thẻ an sinh với lương hưu hàng tháng và có thẻ BHYT đề phòng khi đau ốm.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Đóng bảo hiểm 20 năm: Người lao động sẽ được hưởng những khoản tiền nào?
-
Ai là đối tượng được nhận mức lương hưu tối đa năm 2022
-
Năm 2023 nghỉ hưu đóng BHXH đủ 25 năm hưởng lương bao nhiêu?
-
Chi tiết mức đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương mới nhất năm 2022
-
Từ 1/10/2022, mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thay đổi ra sao?