Anh Bùi Trọng Bình, 49 tuổi, hiện đang sống tại quận 7, TPHCM, là một F0 điều trị tại nhà. Anh đã có những chia sẻ về trải nghiệm chiến đấu với Covid-19 của bản thân trên Dân trí.
Sáng này 24/7, anh Bình nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Rất may, các thành viên còn lại trong gia đình anh không ai bị bệnh. Anh lập tự chạy lên sân thượng, vào phòng chứa đồ và cách ly tại đây.
Trước đây, anh là người thường xuyên đi đây đi đó nên khi "nhốt mình" trong căn phòng với 4 bức tường, anh bất giác cảm thấy sợ.
Một vài giờ đầu tiên, anh cố gắng nghĩ xem mình bị lây nhiễm từ đâu. Tuy nhiên, việc tìm câu trả lời là bất khả thi bởi cả tháng qua anh không ra ngoài.
Chuẩn bị "hành trang" chống Covid-19
Anh đã chuẩn bị kha khá dụng cụ cho cuộc chiến với Covid-19. Anh Bình có một số thiết bị để theo dõi sức khỏe trong quá trình tự điều trị Covid-19 như máy đo huyết áp, dụng cụ đo nhiệt độ, máy đo SpO2. Ngoài ra, anh cũng chuẩn bị thêm 20-30 bình oxy khẩn cấp, loại có thể dùng 10 phút. Tuy nhiên, anh cho rằng nếu có điều kiện thì máy tạo oxy vẫn là một lự chọn tối ứu.
Bình nước, máy nước nóng để có thể có nước nóng, nước ấm sử dụng bất cứ lúc nào. Anh cũng mua thêm một loạt bình giữ nhiệt để đựng nước ấm, sữa nóng, nước gừng.
Về thuốc, anh Bình có chuẩn bị 2 loại: thuốc chữa triệu chứng (sốt, ho, tiêu chảy) và một nhóm thuốc để hỗ trợ hệ miễn dịch. Anh cũng nhấn mạnh, loại thuốc thứ 2 cần phải liên hệ với bác sĩ để được tư vấn theo thể trạng của từng người.
Hành trình chiến đấu với Covid-19
5 ngày đầu tiên, anh Bình có đủ các triệu chứng của một người mắc Covid-19 như sốt, đau đầu, đau cơ, ho. Những triệu chứng này giảm bớt khi sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau... Đến ngày thứ 6, anh không còn sốt nữa.
Tưởng như vậy là sắp khỏi, nhưng sang ngày hôm sau, anh bắt đầu ho nhiều và khó thở, thể trạng cũng xuống dốc rất nhanh.
Anh lập tức liên hệ với bác sĩ và uống thuốc theo chỉ định, liên tục đo SpO2 để kiểm tra sức khỏe, cập nhật tình hình cho bác sĩ.
Sang ngày thứ 8, sức khỏe của anh Bình vẫn tụt dốc. Tối hôm đó, anh tỉnh dậy trong đêm vì ho nhiều. Thấy vậy, anh uống một ngụm trà gừng. Tuy nhiên, đó lại là một sai lầm nhớ đời với anh vì cổ họng đang bị kích thích gặp một chất kích thích nên bị sặc.
Anh đứng dậy nhanh theo phản xạ nhưng cuống họng đột nhiên siết chặt lại, không thở nổi. Sau đó, anh vội nằm xuống giường và bắt đầu luyện thở. 4 tiếng đồng hồ suốt đêm đó, việc duy nhất anh làm là thở và thở.
Sáng hôm sau, anh bước vào nhà vệ sinh, lấy nước muối sinh lý súc miệng thì lại bị ho và "cơn ác mộng" quay trở lại. Cổ họng gần như khép lại dù anh cố gắng hít từng hơi thật sâu. May mắn là chỉ sau 7-10 giây, anh thở lại được.
Anh Bình lại dành cả buổi sáng để tập thở trên giường.
Trong giai đoạn nguy hiểm nhất của cơn bệnh, kéo dài suốt đêm, anh gần như không rời màn hình máy đo SpO2.
Sau thời gian chiến đấu với Covid-19, anh rút ra được rằng không có ngày nguy hiểm nhất mà bạn phải luôn cảnh giác. Chỉ lưu ý là giai đoạn chuyển nặng thường rơi vào ngày thứ 7-10. Giai đoạn trước đó dù không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì vẫn phải hiểu trong cơ thể luôn có một cuộc chiếm.
Ăn gì cũng như nhai giấy
Anh Bình cho rằng bữa ăn của bệnh nhân Covid-19 là thứ quan trọng chỉ sau vấn đề tập thở. Nói thì dễ nhưng bữa ăn đối với F0 lại là một thử thách.
Anh Bình bị mất vị giác, khứu giác hoàn toàn vào ngày thứ 3 sau khi mắc bệnh. Đối với anh, lúc này ăn không khác gì đang nhai giấy. Không chỉ là ăn không ngon miệng, mà cơ thể sẽ phản ứng như khi chúng ta đưa một thứ gì đó không phải đồ ăn vào và sẽ đẩy ra bằng hết.
Tuy nhiên, anh biết bệnh nhân Covid-19 cần phải tìm mọi cách để đưa thức ăn vào cơ thể vì hệ miễn dịch rất cần dinh dưỡng và năng lượng để chống lại bệnh tật.
Kinh nghiệm của anh Bình đối với vấn đề này là chia nhỏ bữa ăn; khi ăn không ngậm lâu trong miệng; đồ ăn được chế biến theo dạng lỏng, mềm; đang ăn nửa bữa có thể đi tắm, súc miệng rồi ăn tiếp. Đồ ăn cũng để nguội để khi đưa vào miệng không cần thổi và có thể nuốt luôn. Bởi khi thổi, phản ứng của cơ thể lại trỗi dậy, không muốn đưa những món vô vị vào người.
Khi quá khó ăn, có thể cho nước súp, canh vào bình giữ nhiệt và nhấm nháp như ly bia. Sữa nóng cũng giúp tăng dinh dưỡng và xoa dịu cổ họng.
Theo anh, bữa ăn của F0 kéo dài 2 giờ đồng hồ là chuyện hoàn toàn bình thường.
Ngoài ra, mỗi ngày anh còn uống thêm một viên vitamin C.
Tìm lại mất ngủ
Sau 2 lần tắc thở đột ngột, anh bị mất ngủ trầm trọng. Mỗi ngày chỉ ngủ được 1 tiếng, kéo dài liên tục. Việc này khiến nhịp sinh học của anh bị rối loạn, dẫn đến stress và càng mất ngủ.
Qua những đêm trằn trọc, anh Bình vừa tìm thông tin, vừa thử nghiệm "công thức" ngủ ngon cho chính mình. Cuối cùng, anh đã tìm được "phao cứu sinh".
Theo anh, để dành lại giấc ngủ, có 3 việc cần làm:
Đầu tiên, anh dọn dẹp phòng, bày biện thuốc men và các vật dụng cần thiết ngay cạnh giường. Lưu ý, thuốc hỗ trợ/thực phẩm chức năng và thuốc điều trị không được để chung vì khi hoảng loạn có thể lấy nhầm thuốc sẽ rất tai hạn.
Điều thứ hai là nên uống thuốc trước khi ngủ ít nhất 4 tiếng và trong vòng 4 tiếng đó không nên dùng bất cứ sản phẩm hỗ trợ sức khỏe nào như nước sâm, nước cốt gà. Vì khi cơ thể bị bệnh đã yếu, uống thêm các đồ bổ dưỡng gần giờ ngủ có thể khiến hệ tiêu hóa quá tải, gây nóng gan.
Việc thứ ba là mát xa cơ thể. Anh ngâm chân bằng nước nóng và đấm bóp để thư giãn.
Theo anh Bình, với F0 những áp lực từ thông tin xấu là rất lớn. Muốn chữa bệnh, F0 cần được cách ly với những thông tin tiêu cực.
Ngoài ra, sự đồng hành của gia đình cũng giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn đối với F0.
Ngày 15/8, anh nhận kết quả xét nghiệm âm tính. Cả gia đình vỡ òa trong hạnh phúc. Mặc dù chặng đường hồi phục còn dài nhưng dù sao giai đoạn khó khăn nhất cũng đã qua.
Tác giả: Thanh Huyền
-
2 sai lầm khi cho F0 tự thở oxy tại nhà, khiến tình trạng bệnh càng nặng
-
Tin vui: Thuốc điều trị Covid-19 đã về TP.HCM, làm sạch virus sau 5 ngày, mở ra hi vọng mới với F0
-
Rủ nhau rửa mũi bằng nước muối đậm nhằm chống Covid-19: Chuyên gia khẳng định "sai lầm"
-
Cả nhà thành F0 do lây từ shipper: Chuyên gia chỉ cách phòng tránh
-
Sống cùng nhà với nhiều F0 nhưng tôi vẫn âm tính với Covid-19 vì sao: Bác sĩ giải thích tận tình