Hậu Covid-19 nhiều người gặp phải các triệu chứng như khó thở, mất ngủ, ho khan kéo dài, đi ngoài, đau mắt đỏ... thì rất nhiều người hiện nay đang lo lắng mình bị hội chứng sương mù não.
Hội chứng sương mù não hậu Covid-19 cho đến nay vẫn còn khá ít thông tin, khiến không ít người cảm thấy lo lắng. Vậy hội chứng sương mù não hậu Covid-19 là gì? Sương mù não hậu Covid-19 có những triệu chứng phổ biến nào để F0 đã khỏi bệnh xác định tình trạng của mình?
Triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng sương mù não hậu Covid-19
BS Trương Hữu Khanh (Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM) trả lời như sau: Nhiều nghiên cứu cho thấy, nhiều người sau khỏi bệnh Covid-19 vẫn phải chịu tác động lâu dài đến cơ thể và não bộ. Hội chứng sương mù não hậu Covid-19 hiện được nhiều người quan tâm nhưng không phải ai khỏi Covid-19 cũng bị.
Hội chứng sương mù não là một dạng rối loạn chức năng nhận thức, có thể gây ra một số các triệu chứng khó chịu: Mệt mỏi, kém tập trung, thiếu minh mẫn. Từ đó, chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng.
Do đó, nếu để kéo dài tình trạng này mà không được điều trị, người bệnh có thể gặp các tình trạng sức khỏe nguy hiểm khác.
Tình trạng sương mù não (brain fog) không phải là một chẩn đoán bệnh mà là triệu chứng của các tình trạng sức khỏe khác. Sương mù não là một thuật ngữ sử dụng để mô tả tình trạng tâm thần chậm chạp, như phủ một lớp sương mù và ngơ ngác.
Triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng sương mù não hậu Covid-19 được ghi nhận bao gồm: hay quên, kém tập trung, thiếu minh mẫn. Ngoài ra, bạn có thể bị mệt mỏi hơn bình thường.
Nếu như bạn thường xuyên mất tập trung, hay quên, nhiều khi đi lên phòng định lấy gì đó nhưng bước vào lại không thể nhớ ra là cần gì rồi lại xuống tay không... thì cũng có thể đã bị hội chứng sương mù não hậu Covid-19.
Tại sao hậu COVID-19 gây Hội chứng sương mù não?
Hội chứng sương mù não có thể kéo dài vài tháng sau khi bệnh nhiễm COVID-19 đã khỏi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những rối loạn về nhận thức này, bao gồm cả vai trò của yếu tố tâm lý và yếu tố bệnh lý cơ thể.
- Virus SARS-CoV-2 đi vào cơ thể thông qua các giọt bắn từ người nhiễm virus sang người lành thông qua đường mũi, miệng và mắt. Ở cơ thể, virus đi vào các tế bào thông qua thụ thể của men angiotensin - coverting 2 (loại virus tấn công vào hệ thần kinh), do đó nó có thể tấn công vào não của người bệnh. Nhiều bệnh nhân có biểu hiện hôn mê hoặc viêm não.
- Sau khi bị nhiễm COVID-19, nhiều tổn thương xảy ra ở các cơ quan trong khắp cơ thể, đặc biệt là ở não bộ. Đáp ứng của cơ thể với tình trạng viêm ở não, giảm lượng máu nuôi dưỡng các tế bào thần kinh, tổn thương các tế bào thần kinh dẫn đến những vấn đề về nhận thức và những rối loạn tâm thần.
- Cytokine, một loại chất sinh ra từ phản ứng viêm do quá trình nhiễm COVID-19 có nhiều trong dịch não tủy, và quá trình viêm trong não làm cho khả năng kết nối giữa các tế bào thần kinh kém dẫn đến Hội chứng sương mù não. Có nghiên cứu cho thấy rằng có sự thay đổi về mặt cấu trúc vi thể ở hồi hải mã và những vùng khác của não dẫn đến rối loạn về nhận thức.
- Bên cạnh đó, có những yếu tố khác cũng dẫn đến Hội chứng sương mù não như: Chất lượng giấc ngủ kém, cảm thấy cô đơn, trầm cảm, rối loạn lo âu, căng thẳng, ít vận động tập luyện, tác dụng phụ của thuốc điều trị…
- Nhiều yếu tố về bệnh lý cơ thể gặp phải sau COVID-19 như di chứng trên hệ thống hô hấp, mệt mỏi, đau mỏi cơ… các yếu tố tâm lý như sự cô lập về xã hội, mất đi người thân, những vấn đề lo lắng về tài chính…
Ứng phó thế nào với hội chứng sương mù não?
Điều trị sương mù não phụ thuộc vào nguyên nhân. Ví dụ, nếu bạn đang bị thiếu máu, bổ sung sắt có thể làm tăng sản xuất tế bào hồng cầu và giảm sương mù não…
Đôi khi, giảm thiểu tình trạng sương mù ở não là vấn đề điều chỉnh sự thiếu hụt dinh dưỡng, chuyển thuốc hoặc cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn.
Các biện pháp khắc phục tại nhà để cải thiện chứng sương mù não bao gồm:
Ngủ đủ 7- 9 giờ mỗi đêm.
Quản lý căng thẳng
Tập thể dục
Hạn chế uống cà phê
Tăng lượng protein, trái cây, rau và chất béo lành mạnh…
BS Khanh nhấn mạnh, hội chứng sương mù não hậu Covid-19 cho đến nay không phải điều trị bằng thuốc hay đến bệnh viện... Điều quan trọng nhất bạn vẫn cần là sống lành mạnh, lạc quan, tập thể dục điều độ, ăn uống đầy đủ chất, tuyệt đối không được stress, lo âu. Nếu được thì hãy bớt xem những thông tin tiêu cực về dịch bệnh. Bạn sẽ nhanh chóng phục hồi sức khỏe hơn bạn nghĩ.
Tác giả: Vũ Ngọc
-
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai: F0 khỏi bệnh có 10 dấu hiệu "báo động" này cần đi khám ngay
-
Sau 1 tháng khỏi bệnh, một F0 'ra đi' mãi mãi: BS nói triệu chứng hậu Côvy nên đi khám sớm
-
5 việc nên làm, 4 nhóm thực phẩm nên bồi bổ hậu Côvy: Nhanh hồi phục, ngừa biến chứng
-
Trẻ F0 nên uống gì để phòng di chứng sau khỏi bệnh: Chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra 3 thứ, cha mẹ cần biết
-
Nhiều F0 ho khan kéo dài, hụt hơi, mất khứu giác, giảm trí nhớ: BS nói 'có dấu hiệu này nên khám ngay'