Mới đây, BS. Trương Hữu Khanh (BV Nhi đồng 1, TP. HCM) đã chia sẻ về vấn đề này trên báo chí. Theo đó, có nhiều F0 lo lắng hỏi ông về những tin đồ như: không được ăn yến, đồ ngọt, đồ bổ vì sẽ khiến virus mạnh hơn. Hay trẻ con là F0 mà đòi ăn ốc, ăn cua, thèm nước ngọt, trà sữa… thì không nên ăn.
Bác sĩ Khanh cho biết, bệnh nhân mắc Covid-19, cũng như đa số căn bệnh khác, rất cần năng lượng, cần sức lực để vượt qua. Những tin đồn thất thiệt, những lời khuyên kiêng cữ không đúng, chỉ làm hại bệnh nhân.
Phổ biến nhất là chuyện ăn. Đã có nhiều F0 lo lắng hỏi tôi về những tin đồn. Có người đồn ăn yến, ăn đồ ngọt, đồ bổ thì virus sẽ mạnh hơn, dẫn đến việc F0 thấy cái gì cũng không dám ăn, dù nhà sẵn có nhiều món bổ dưỡng. Mà thời điểm này muốn mua thứ khác để ăn nhiều khi cũng khó kiếm được món như ý. Vậy là lại thiếu chất, lại mệt mỏi.
Thực tế, với bệnh Covid-19, không phải kiêng cữ gì về mặt ăn uống. Nhiều người hỏi tôi: Con nít ở nhà là F0, đòi ăn ốc, ăn cua; rồi F0 mới khỏe lại thèm nước ngọt, trà sữa thì sao? Câu trả lời là: Cứ thoải mái.
Điều người ta lo ở bệnh nhân Covid-19 là tình trạng biếng ăn, do mệt mỏi hoặc mất vị giác chứ không phải chuyện nên hay không nên ăn thứ gì. Nếu thèm ăn thứ này, thứ kia, quá tốt, cứ ăn, để cơ thể có năng lượng, dù là khi còn bệnh hay đang phục hồi.
Chỉ cần lưu ý các món "chống chỉ định" với bệnh nền của mình là được. Nếu kiêng cữ đủ thứ, không dám ăn nhiều, coi chừng thiếu chất. Thiếu chất thì sức đề kháng sẽ giảm, có nguy cơ bệnh nặng hơn hoặc lâu khỏi bệnh. Thiếu chất có khi ảnh hưởng đến cả mức SpO2 (nồng độ ôxy trong máu).
Người đang béo phì cũng vậy. Béo phì đúng là yếu tố nguy cơ mắc Covid-19 nặng. Điều cần làm là tự theo dõi sức khỏe chặt chẽ chứ không phải cố... ăn kiêng ngay lúc đang bệnh. Người béo phì vẫn có thể gặp nguy hiểm vì thiếu chất như đã nêu trên. Đừng nghĩ mình béo phì là thừa năng lượng. Vẫn phải ăn uống đầy đủ khi đang bệnh và trong giai đoạn phục hồi. Giảm cân là chuyện lâu dài, khi nào khỏe mới tính.
Chuyện tắm rửa, vệ sinh cá nhân lại càng không nên kiêng. Nếu không bảo đảm vệ sinh cá nhân thì F0 có thể bị thêm vấn đề sức khỏe khác như các bệnh nhiễm trùng: do ăn uống không sạch sẽ, không vệ sinh cá nhân thường xuyên. F0 cách ly tại nhà càng nên chú ý tắm rửa cẩn thận, súc họng sạch sẽ, lau dọn nhà tắm, không gian sống... để hạn chế nguy cơ cho người cùng nhà, nếu trong nhà vẫn có người không phải là F0.
Chốt lại, Bác sĩ Khanh cho rằng, đừng để bản thân phải khổ vì chuyện kiêng khem. Cần trang bị cho mình đủ hiểu biết để chăm sóc bản thân cho tốt, có thế mới nhanh phục hồi.
Không kiêng cữ nhưng F0 cũng cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo 10 nguyên tắc sau:
Theo TS. Vũ Thị Thanh (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo: F0 nên sử dụng chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đúng. Việc này nhằm giúp hệ miễn dịch sản sinh ra nhiều kháng thể để tiêu diệt virus.
+ Nguyên tắc 1 và 2: Gạo, bánh mì và khoai
Đây là những thực phẩm giàu tinh bột. Mà tinh bột lại vốn là nền tảng cung cấp đủ năng lượng cho tế bào của hệ thống miễn dịch. Với những F0 không triệu chứng có thể ăn 3 bữa như người bình thường. Mỗi ngày, mọi người có thể ăn từ 200 – 250gr tinh bột tùy theo thể trạng. Ngoài cơm, F0 cũng có thể ăn món giàu tinh bột khác như phở, bún, khoai, bánh mì, miến… để thay đổi bữa ăn giúp ngon miệng hơn.
+ Nguyên tắc 3: Ăn nhiều rau
Theo TS. Thanh, nên ăn các loại rau theo mùa và thường xuyên thay đổi đa dạng để cung cấp vitamin cần thiết cho cơ thể. Mỗi ngày cần ăn khoảng 300 – 350gr chia thành 3 bữa. Rau tuy không sinh năng lượng nhưng rất cần thiết cho quá trình chuyển hóa để tạo năng lượng cho tế bào.
+ Nguyên tắc 4: Ăn quả chín
Sau bữa ăn chừng 30 phút hoặc ở các bữa phụ, F0 nên ăn quả chín. Với quả có độ ngọt trung bình như dưa hấu thì ăn khoảng 300gr/ngày. Còn với quả ít ngọt hơn như dưa lê, dưa chuột thì có thể ăn nhiều hơn. Với những loại quả có hàm lượng đường cao như sầu riêng, chuối… thì nên ăn 100 – 120gr.
+ Nguyên tắc 5: Phải có chất đạm
Đạm đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cấu trúc tế bào. Chỉ là khi ốm bệnh mệt mỏi thì chúng ta thường không muốn ăn. Tuy nhiên, bạn cần phải cố bổ sung khoảng 50gr đạm/ngày với thịt và 80gr/ngày với hải sản hoặc cá, chia làm 3 bữa. Nếu thiếu đạm thì cơ thể rất khó có thể phục hồi nhanh được.
+ Nguyên tắc 6: Cung cấp đủ chất béo
Để màng tế bào được khỏe mạnh thì chất béo trong bữa ăn là điều không thể thiếu. Theo các chuyên gia, với bệnh nhân nCoV thì nên sử dụng dầu ăn vì trong dầu ăn có chứa aixt béo không no. Chất này có tác dụng làm giảm viêm, giảm sốt ở bệnh nhân.
+ Nguyên tắc 7: Hạn chế đường
F0 nên bổ sung dưới 15gr đường/ngày. Chúng ta chỉ hạn chế bớt đường chứ không phải bỏ luôn nha mọi người.
+ Nguyên tắc 8: Hạn chế muối
Muối là thành phần càn phải chú ý không được dùng quá liều nhằm hạn chế việc tăng gánh nặng tuần hoàn cho bệnh nhân. Lượng muối khuyến cáo trong ngày là dưới 6gr.
+ Nguyên tắc 9: Uống nhiều nước
F0 thường hay được khuyên uống nhiều nước sẽ có lợi cho cơ thể. Với F0 không triệu chứng tiêu chảy, dưới 55 tuổi thì lượng nước được khuyến cáo là 40ml/kg cân nặng. Còn trên 55 tuổi là 35ml/kg cân nặng. Nếu bị tiêu chảy thì phải uống nhiều hơn để bù nước.
+ Nguyên tắc 10: Uống sữa để cung cấp canxi
Bổ sung sữa vào chế độ ăn hàng ngày giúp cơ thể có đầy đủ canxi và các nguyên tố vi lượng. Điều đó giúp hệ miễn dịch khỏe và sản sinh ra sức đề kháng chống lại bệnh tốt hơn. Mỗi ngày, F0 nên uống khoảng 400ml sữa.
Tác giả: Thạch Thảo
-
Phát hiện mới về triệu chứng sau khi khỏi Covid-19, có người kéo dài tới 1 năm
-
Sau tiêm vắc xin Covid-19 chỉ đau nhức, mỏi người, không sốt thì có nên dùng thuốc giảm đau?
-
BS Trương Hữu Khanh: Dấu hiệu báo F0 đang hồi phục, sắp hết bệnh
-
Tiêm vắc xin Covid-19 xong đừng dại xoa bóp cánh tay, đây mới là việc bạn cần làm
-
Những lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt cho bệnh nhân Covid -19 điều trị tại nhà