Thí điểm việc đi lại đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, sáng 6/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vắc xin, trong đó tháng 9 dự kiến có hơn 20 triệu liều. Bộ trưởng đề nghị các địa phương triển khai cao điểm tiêm vắc xin trong các tháng tới, tiến độ tiêm phải đạt 1 triệu mũi 1 ngày mới hoàn thành kế hoạch.
Trước mắt, Bộ Y tế yêu cầu 5 địa phương gồm TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Nai phải hoàn thành tiêm mũi 1 trước ngày 15/9. Về vắc xin cho trẻ em, Bộ đã tích cực làm việc với các công ty cung ứng và sẽ có lộ trình tiêm cụ thể.
Về việc đi lại, hoạt động của người tiêm đủ 2 mũi vắc xin, ông Long cho biết đang nghiên cứu để thí điểm tại một số địa phương phía Nam, đồng thời tiếp tục có khuyến cáo về bảo đảm phòng, chống dịch. Lý do là những người tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác, dù nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm cho người khác đã giảm.
Nhắc đến câu chuyện kiểm soát đi lại đối với người dân ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các bộ, ngành đã xây dựng nhiều ứng dụng (app) liên quan. Do đó, các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu, chủ động chuẩn bị trước để khi cần, có thể áp dụng triển khai ngay, tránh lúng túng, bị động.
Về việc dạy và học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết nhiều địa phương, nhất là Hà Nội và TP.HCM đang tích cực xử lý, tháo gỡ các khó khăn liên quan đến thiết bị dạy và học trực tuyến. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang theo sát tình hình, thống kê nhu cầu của các địa phương và nghiên cứu phương án xử lý, hỗ trợ các địa phương, những gia đình gặp khó khăn về thiết bị dạy và học trực tuyến.
Cơ bản đã kiềm chế được dịch ở 22 địa phương
Thủ tướng Phạm Minh Chính trước đó cho biết, đến nay, cả nước đã tiêm khoảng 22 triệu liều vaccine. 22 địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đã cơ bản đã kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh. Trong đó, Hà Nội đã phân loại các quận, huyện theo mức độ nguy cơ và có biện pháp phù hợp đối với từng vùng để sớm đưa thủ đô về trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ công tác phòng, chống dịch ở một số địa phương còn những hạn chế, bất cập. Điển hình như tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; chưa chấp hành đầy đủ, nghiêm túc quy định về giãn cách xã hội; tổ chức thực hiện ở một số địa phương còn chưa nghiêm, thiếu sự kiểm tra, giám sát...
Nêu định hướng chống dịch thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm giãn cách xã hội là quyết định; thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt; điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu; vaccnie, thuốc điều trị là chiến lược; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng.
Phương châm được ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh là “bảo vệ vững chắc vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng”, “thu hẹp vùng đỏ”.
Đối với các địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhất là tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam, Thủ tướng yêu cầu thực hiện giãn cách nghiêm ngặt hơn, ưu tiên tiêm vaccine, điều trị hiệu quả để sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh, không để lây lan, giảm thiểu tử vong, bảo đảm an sinh xã hội.
Nêu quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9, Thủ tướng yêu cầu: "Chúng ta phải hy sinh nhiều lợi ích khi thực hiện giãn cách xã hội; các lực lượng và người dân rất vất vả, khó khăn nên phải làm thật nghiêm, thật chặt để đạt mục tiêu, để sự vất vả, hy sinh này không vô nghĩa".