Gà cúng nên để nguyên con hay chặt miếng: Có 1 lưu ý mà nhiều người vẫn chưa biết

( PHUNUTODAY ) - Gà cúng là vật không thể thiếu trong đa phần mâm cúng Tết của người Việt, đặc biệt là mâm cỗ cúng Giao thừa.

Gà cúng nên để nguyên con hay chặt miếng?

Gà cúng là vật không thể thiếu trong đa phần mâm cúng Tết của người Việt, đặc biệt là mâm cỗ cúng Giao thừa. Gà cúng nên để nguyên con khi bày lên mâm cúng, khi cúng lễ thì nên để nguyên cả con gà trống vừa đẹp mắt, vừa nghiêm cẩn.

Với gà mái, có thể chặt miếng, nhưng khi bày đĩa không được đẹp mắt và giảm bớt phần nghiêm cẩn. Vì vậy, dùng gà cúng là trống hay mái đều nên để nguyên con.

Bên cạnh đó, gia chủ cũng không nên dùng thịt gà quay, rán, ninh, om vì cả hình thức và màu sắc đều không đẹp, mất cân đối và không nghiêm cẩn.

Gà cúng khi để nguyên con thì thường chọn gà trống trông sẽ oai dũng và đẹp hơn còn khi chọn làm đĩa trong mâm cỗ thì nên chọn gà mái vì gà mái ăn thịt mềm ngọt hơn.

Cách đặt gà cúng trên bàn thờ

Gà cúng nên quay đầu vào trong hay ra ngoài?

Nhiều người vẫn đặt con gà hướng đầu ra ngoài để khi nhìn vào sẽ đẹp mắt hơn.

Tuy nhiên, nếu muốn tôn nghiêm và đúng chuẩn thì gà cúng nên đặt quay đầu vào trong hoặc để ngang chứ không nên để gà cúng quay đầu ra ngoài.

Việc đặt gà cúng quay ra hay quay vào tùy theo góc nhìn của mỗi gia đình và việc này không ảnh hưởng nhiều tới sự thành tâm cũng như tài lộc của gia chủ.

Gà cúng nên đặt bên trái hay bên phải bàn thờ?

Các cụ có câu: Nam Tả nữ Hữu (trai tay trái, gái tay phải). Chính vì vậy, đặt gà cúng nên đặt phía bên trái của bàn thờ, đặc biệt là gà trống. Tuy nhiên, nếu đặt ở phía tay trái nhìn sẽ không được đẹp mắt bằng việc đặt ở giữa. Vì thế nên các gia đình cũng có thể đặt gà ở giữa, vừa đẹp mắt lại thể hiện sự tôn nghiêm, trang trọng.

Lưu ý khi chọn gà dâng cúng Gà dâng cúng nên chọn là gà trống tơ, trống thiến để đảm bảo sự sạch sẽ cho bàn thờ gia tiên. Đặc biệt trong lễ cúng Giao thừa, trả lễ cho đền chùa thì nên chọn gà trống.

Còn những dịp như cúng cầu con, cúng cầu mùa màng, cúng đầy tháng thì có thể chọn gà mái nhưng nên là gà mái đẻ 1-2 lứa có trứng tránh gà già hoặc gà quá non. Phải chọn những con gà khỏe mạnh không ốm bệnh, gà để nguyên con, đi kèm bộ lòng mề và tiết gà. Con gà luộc không được để bị nát, nên phết thêm chút nước nghệ ngoài da trước khi cho vào nồi luộc, vừa mang tính thẩm mỹ lại tỏ lòng thành tâm.

Cách luộc gà cúng ngon và đẹp

Khi luộc gà, cho gà vào nồi sâu lòng sao cho bụng hướng xuống dưới cùng với gừng, hành đập dập và một chút muối, đổ nước ngập gà rồi đặt lên bếp. Cho gà vào nồi ngay từ khi nước còn lạnh giúp cho thịt gà chín dần từ ngoài vào trong, da không bị nứt. Nếu là gà để ngăn đá, bạn phải rã đông hoàn toàn mới cho vào luộc.

Do phần da bụng tiếp giáp đáy nồi rất dễ bị nứt nên kinh nghiệm là đặt gà vào bát tô sâu lòng rồi mới đặt vào trong nồi nước, vừa để định hình dáng con gà cúng, vừa đảm bảo da đẹp, không bị nứt.

Muốn gà cúng da vàng, không bị bám các vẩn tiết cũng như không bị ôi thiu thì nên luộc lòng tiết gà vào một nồi nhỏ khác, không nên luộc chung nồi gà lễ.

Khi luộc gà cúng nên chỉnh lửa vừa, mở hé vung, luộc sôi lên thì vớt hết vàng bọt. Khi sôi 5 phút thì tắt bếp và ngâm gà trong nồi thêm khoảng 15-20 phút, như vậy da gà không bị co rút làm nứt da.

Để da gà căng mọng không xuống màu, sau khi gà chín, bạn để gà nguội sau đó vớt ra nhúng vào nước sôi để nguội cho thêm vài viên đá.

Để da gà thêm bóng mượt, vàng ươm, bạn có thể hòa mỡ gà với chút nước ép nghệ, phết một lớp mỏng lên khắp bề mặt gà.

Tác giả: Vũ Ngọc