Thôn Hoàng Trung, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai vốn nổi tiếng là nơi sản xuất giò chả với số lượng lớn cho thị trường Hà Nội, tuy nhiên ít ai ngờ nơi đây lại tồn tại nhiều cơ sở chế biến mỡ siêu bẩn gây độc hại cho người tiêu dùng.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, nhóm PV đã nhanh chóng có mặt tại cơ sở để xác minh sự việc. Trong vai chủ một quán bún đậu mắm tôm ở Hà Nội cần tìm mua lượng lớn mỡ với giá thành rẻ, PV đã tiếp cận lò chế biến mỡ bẩn tại xóm Tiếu, thôn Hoàng Trung, xã Hồng Dương, do anh T. làm chủ.
Ngay khi bước chân vào lò chế biến này, mùi mỡ ngây ngấy, khen khét xộc thẳng lên mũi khiến người không quen thoáng rùng mình. Tiến lại gần hơn mùi hôi thối bốc ra nồng nặc từ những túi mỡ nguyên liệu tạp nham, bày la liệt trên sàn bẩn. Hai người, một nam một nữ đang đánh vật với đống da gà, tật lợn, mỡ dư thừa được thu gom từ các lò trên địa bàn xã Hồng Dương và một số xã lân cận.
Theo tìm hiểu, giá thu mua đống “bèo nhèo” này chỉ từ 1000 – 3000 đồng /1kg tùy loại, tùy độ bốc mùi nặng hay nhẹ.
Một góc chế biến mỡ bẩn tại lò. |
Điều đáng bàn, chỗ nội tạng, mỡ nguyên liệu này không hề được vệ sinh,làm sạch với nước mà được đổ trực tiếp vào chế biến luôn. Người đàn ông xé túi ni lông, chuyển số mỡ sang chậu lớn rồi lần lượt đổ vào hai nồi lớn đang sôi sùng sục trên bếp. Kết quả, số mỡ bẩn, nội tạng này sau khi rán đã tạo ra một thứ mỡ đen đặc, khét nồng.
Nội tạng, da, tật của lợn, gà hôi thối là nguyên liệu chế biến mỡ. |
Bên trong khu vực nấu mỡ, hàng chục thùng nhựa đựng mỡ thành phẩm không được che đậy, thâm đen, dơ bẩn. Chưa hết, thứ tóp mỡ sau khi rán lại được tiếp tục cho vào một chiếc máy ép cáu bẩn, nhớp nhúa để ép lấy mỡ. Chiếc máy ép mỡ két đặc những tóp mỡ đã để qua nhiều ngày tháng khiến mùi ôi thiu càng bốc mùi nồng nặc. Thứ mỡ “nước hai” từ chiếc máy ép này được hứng luôn bằng một chiếc thùng gỉ sắt, bẩn thỉu. Tất cả số mỡ thành phẩm dạng nước được đóng vào can nhựa khoảng 30 lít. Sau khi gom đủ số lượng khách đặt, sẽ dùng ô tô chở vào nội thành Hà Nội tiêu thụ.
Cơ sở của anh T. mỗi ngày tiêu thụ hàng trăm cân nội tạng, tật lợn, gà bẩn để rán, ép lấy mỡ bán. Mỗi lít mỡ thành phẩm có giá khoảng12.000 đồng/kg khi mua tại lò. Giá bán tại các điểm tập kết trong nội thành Hà Nội dao động khoảng 14.000-16.000 đồng/kg tùy khách thân sơ và số lượng lấy.
Chủ lò mỡ này cho biết, mỡ của cơ sở chủ yếu được cung cấp cho các quán cơm quán phở, thậm chí là một số nhà hàng lớn. Những khách hàng này thường sử dụng loại mỡ hớt trên, cảm quan có màu trong hơn với giá 16.000 đồng/kg. Loại mỡ còn lại có màu đục, đen hơn, chất lượng “kém” hơn thì giao cho các lò rán quẩy, bánh rán với giá 14.000 đồng/kg. Một can mỡ “chất lượng tốt” với trọng lượng là 30kg để rang cơm, xào phở, xào rán đồ ăn trong các quán cơm, nhà hàng có giá chỉ 400.000 đồng, còn loại làm quẩy, rán bánh rán giá chỉ 350.000 đồng, nếu so với giá dầu ăn thì chỉ bằng khoảng 1/3.
Mỗi can mỡ bẩn này được đưa vào khắp nội thành Hà Nội. |
Theo lời anh T, anh bắt đầu làm nghề chế biến mỡ từ năm 1999 và duy trì cho đến tận bây giờ. Anh nhiệt tình chia sẻ :“Hiện nay giá mỡ cũng rẻ hơn, vì bây giờ người dân ít ăn mỡ lắm, chủ yếu là các nhà hàng, quán cơm, các quán đồ ăn vặt trong nội thành Hà Nội thôi, nếu lấy tận nhà anh thì 12 ngàn đồng/kg. Còn anh giao tại địa điểm em cần với giá 14 ngàn đồng/1kg. Thông thường mỗi mối nhập hàng nhà anh là một tạ mỡ”.
“Gia đình anh có 3 mối tập kết mỡ lớn ở nội thành Hà Nội là chợ Đồng Tâm, khu đai học Kinh Tế Quốc Dân, đại học Xây Dựng và thị trấn Trôi, Hoài Đức, Hà Nội. Từ các điểm tập kết đó, các can mỡ sẽ được giao cho các nhà hàng, quán cơm phở, và các hàng ăn vặt… Số lượng mỗi lần giao thường tính theo tấn”.
Cũng theo anh T: “Khu đại học Kinh tế quốc dân, đại học Xây Dựng lượng mỡ tiêu thụ rất nhanh. Có chỗ chỉ trong vòng 2 ngày là tiêu thụ hết cả can mỡ nặng 30kg. Nếu các em lấy nhiều, yên tâm là anh sẽ để giá rẻ, thậm chí giao tận nơi mà giá vẫn bằng mua trực tiếp ở lò…”.
Phạt xong lại… hoạt động
Tờ Soha.vn từng đưa tin, ở cụm 11, 12, xã Tân Hội (Đan Phượng, Hà Nội), có khoảng chục hộ sống bằng nghề này, tuy một số lần bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, đình chỉ sản xuất nhưng vì lợi nhuận lớn nên các cơ sở này vẫn bất chấp hoạt động.
Có nhiều cơ sở chui, nhỏ lẻ nhưng cũng có nhiều nơi vẫn công khai hoạt động và ngày càng mở rộng quy mô hơn.
Điển hình là cơ sở của bà Nga, thời điểm tháng 9/2014 đã bị lực lượng Cảnh sát môi trường Hà Nội, chi cục Thú y và chính quyền địa phương kiểm tra, xử phạt vì hành vi chiết xuất mỡ nước từ mỡ lợn bẩn bằng hình thức đun, rán.
Ngoài ra, cơ sở đang tích trữ 1.310 lít mỡ nước, 110kg mỡ lợn sống, 100kg tóp mỡ, 75kg bì lợn sống và 140kg bì lợn đã qua sơ chế. Toàn bộ số hàng hóa trên bị thu giữ và giao cho trạm Thú y huyện Đan Phượng tiêu hủy.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lý (Chủ tịch UBND xã Tân Hội) cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều cơ sở chế biến mỡ nước.
Những cơ sở lớn, chúng tôi đã nắm được và nhiều lần xử phạt, đồng thời đã báo cáo UBND huyện Đan Phượng, có biện pháp đình chỉ sản xuất. Tuy nhiên, nhiều cơ sở vẫn lén lút hoạt động, vì lợi nhuận cao.
Do đó, việc ngăn chặn là rất khó. Bởi, nếu dùng các biện pháp mạnh thì họ sẽ không trực tiếp sản xuất tại cơ sở mà sẽ chia nhỏ ra để sản xuất “chui” tại nhà của anh em, hàng xóm nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn”.
PGS.TS. Trần Đáng (nguyên Cục trưởng cục VSATTP – bộ Y tế) cho biết: “Dầu, mỡ nếu rán liên tục ở nhiệt độ cao trên 180 độ C sẽ sinh ra andehit, Oxy hóa… là những chất dễ bay hơi trong không khí, gây ô nhiễm môi trường và vô cùng nguy hiểm, nếu người lao động hít phải.
Thức ăn được nấu, chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ tạo ra nhiều cặn lẫn chung vào mỡ, ăn vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhẹ thì đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, thở khó…; nặng thì tim đập chậm, huyết áp tăng cao, có thể gây nên bệnh ung thư, nguy hiểm đến tính mạng”.
>Người mẹ có con bị ông già 76 tuổi xâm hại không đồng ý hòa giải (Xã hội) - (Phunutoday) - Cương quyết không đồng ý hòa giải, Chị T.T.Th - người mẹ tố cáo có con bị xâm hại tình dục quyết kiện đến cùng. |
Tác giả: Nguyễn Trà Mi