Hiện tượng thiên văn học hiếm: Siêu trăng xuất hiện đêm ngày 14/11 ở Việt Nam

( PHUNUTODAY ) - Đêm nay siêu trăng sẽ xuất hiện, tại khu vực Việt Nam có thể nhìn thấy được hiện tượng thiên nhiên tuyệt đẹp này. Đừng bỏ lỡ nếu không bạn sẽ phải chờ 18 năm nữa mới nhìn thấy được.

Theo NASA, vào 22:52 đêm 14/11 sẽ diễn ra hiện tượng Siêu trăng, với hình ảnh Mặt trăng sáng và lớn nhất trong vòng 68 năm qua và có thể quan sát được ở Việt Nam. Nếu bỏ lỡ, bạn sẽ phải đợi 18 năm nữa tức là tới năm 2034 để chiêm ngưỡng điều kì diệu này một lần nữa.

Siêu trăng - hiện tượng thiên nhiên kỳ thú sẽ xuất hiện vào tối nay. Siêu trăng tròn và sáng nhất lúc 13h52' ngày 14/11 theo giờ GMT tức khoảng 20h52' tối 14/11 theo giờ Việt Nam.

Các khu vực quan sát được siêu trăng rõ nét nhất là khu vực tây Bắc Mỹ, các nước ở vành đai Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam.

Theo các nhà thiên văn học, đây là lần mặt trăng gần Trái Đất nhất kể từ năm 1948. Với hiện tượng này, mặt trăng sáng hơn 14% so với bình thường và lớn hơn 7%. 

 Hiện tượng siêu trăng. Ảnh minh họa

Hiện tượng siêu trăng không hiếm gặp. Hôm 16/10, người dân khắp thế giới đã có dịp ngắm nhìn siêu trăng và hiện tượng này sẽ còn lặp lại vào hôm 14/12 tới. Tuy nhiên, mặt trăng hôm 14/11 sẽ tròn đầy trong khoảng hai tiếng ở điểm gần Trái Đất nhất, và có kích cỡ lớn nhất trong gần 7 thập kỷ qua.

Tờ VTC News dẫn lời chuyên gia thiên văn học Đặng Vũ Tuấn Sơn, để ngắm được siêu trăng rõ nét nhất thì điều kiện khí quyển ở khu vực đó phải trời trong, không có mây, ít ô nhiễm.

Về ý nghĩa của sự kiện này với thiên văn học, chuyên gia Tuấn Sơn cho rằng, hiện tượng này chỉ mang tính chất điểm nhấn như kỷ lục 68 năm măt trăng mới đến gần Trái Đất. Đây có thể coi như là thú vui quan sát mặt trăng vào những đêm trăng sáng đặc biệt hàng năm.

Chỗ ngắm siêu trăng

Chỗ tối xa ánh sáng nhân tạo

Người quan sát nên chọn chỗ tối, tránh ánh sáng nhân tạo càng nhiều càng tốt. Mắt bạn cần tránh tiếp xúc với ánh sáng trắng trong khoảng 20 phút mới có thể hoàn toàn thích nghi và chiêm ngưỡng được toàn cảnh hiện tượng siêu trăng.

Ngắm trăng trên bãi biển dài

Khi quan sát siêu trăng, người yêu thiên văn có thể quan sát bằng mắt thường mà không cần thiết bị bảo vệ mắt. Để ngắm Mặt trăng trồi dần lên từ đường chân trời, người quan sát nên chọn vị trí trên bờ biển.

Ngắm siêu trăng trên núi

Giống như ở biển, việc ngắm Mặt Trăng dần hiện lên phía sau rặng núi đồ sộ cũng đem đến cho người yêu thiên văn cơ hội quan sát trọn vẹn siêu trăng.

Chọn vị trí gần công trình mang tính biểu tượng

Khi ngắm siêu trăng từ một tòa nhà, bức tượng hoặc cây cầu nổi tiếng, bạn sẽ dễ nhận thấy kích thước khổng lồ của Mặt Trăng hoàn toàn lấn át những công trình này.

Ảnh minh họa

Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam để lý giải sâu hơn về hiện tượng đặc biệt này: “Mặt trăng quay theo quỹ đạo hình elip, có một đầu gọi là perigee (cận điểm hay điểm gần trái đất nhất). Điểm này ở gần trái đất hơn 48.280 km so với điểm đầu mang tên apogee (viễn điểm hay điểm xa trái đất nhất).

Thời điểm mặt trời, mặt trăng và trái đất thẳng hàng được gọi là syzygy (ngày sóc vọng). Khi khoảnh khắc cận điểm rơi vào ngày sóc vọng, mặt trăng trở nên lớn hơn và sáng hơn nhiều so với bình thường và được gọi là siêu trăng hay trăng tròn cận điểm.

Khoảng cách của mặt trăng với trái đất không phải là cố định mà nó dao động. Vì vậy, về bản chất chúng ta hiểu siêu trăng là hiện tượng trăng tròn xảy ra trùng hoặc gần trùng với thời điểm mặt trăng đến gần với trái đất nhất trong chu kì của nó.”

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Trang