Khuyến khích trẻ tự làm những việc cá nhân
Khi ở nhà hay đi học, ba mẹ Nhật đều chú ý đến việc dạy con tự lập và luôn khuyến khích con tự làm những việc cá nhân của mình.
Trẻ em Nhật được dạy phải tự mình mặc quần áo, mang giày và xách đồ của mình bởi vì các em phải thay đồ rất nhiều lần khi ở trường: khi mới đến lớp, trẻ phải tháo giày ra và thay bằng dép đi trong nhà; nếu có giờ học thể dục, trẻ cũng phải thay đồ và giày. Tất cả những việc đấy các em đều phải tự làm.
Do ở Nhật, thời gian học thường kéo dài từ sáng tới chiều, các em thường được mẹ chuẩn bị bữa ăn mang theo và tự ăn trong những giờ nghỉ trưa. Việc một đứa trẻ tự ăn và dọn dẹp phần ăn của mình là điều hết sức bình thường ở Nhật. Thậm chí, có nhiều bạn nhỏ ở Nhật tuy mới là học sinh tiểu hoc nhưng đã có thể nấu ăn và tự nấu cho bản thân.
Thông thường, trẻ con học mẫu giáo sẽ được bố mẹ đưa đi đón về, thế nhưng khi lên cấp 1, các bé được khuyến khích tự đi một mình và không nên làm phiền người khác quá nhiều trên đường đi học.
Tập cho trẻ tự thực hiện các hoạt động hằng ngày của mình có thể giúp trẻ tự lập hơn (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Sự “tạo điều kiện” của bố mẹ như vậy sẽ giúp con hình thành một thói quen tự giác, tự lập trong chính công việc cá nhân mà không phải phụ thuộc vào bất kỳ một ai khác. Tính tự lập của con sẽ có cơ hội được phát triển mạnh mẽ hơn nữa nếu như bố mẹ quan tâm và tạo điều kiện cho con làm mọi việc.
Tự lập trong môi trường lớp học
Sau giờ học, trẻ em Nhật phải thu dọn bàn ghế và phòng học của mình. Lau bảng, giặt khăn lau, quét lớp… những công việc như vậy được các em chia đều và cùng nhau làm, vừa giúp được lẫn nhau.
Ngoài những tiết học trên lớp, các em sẽ được tham gia vào các lớp học ngoại khóa. Có rất nhiều khóa học và những câu lạc bộ dạy nữ công gia chánh, thêu thùa may vá hay nấu những món ăn đơn giản hoặc những câu lạc bộ thể thao như bắn cung, tập võ…
Các em phải được dạy bảo rằng phải luôn có ý thức với lớp học của mình. Các em sẽ phải tự sắp xếp bàn ghế mình ngồi, tự giác giữ gìn vệ sinh lớp học, khi làm rơi đồ, các em được khuyến khích tự mình nhặt lên mà không nhờ vả bạn bè. Bên cạnh sự tự giác, các em nhỏ còn được rèn thói quen chủ động. Khi nộp bài, các em phải tự đưa lên cho giảng viên mà không truyền qua tay bạn.
Bắt đầu từ những việc đơn giản
Hãy bắt đầu từ những việc đơn giản, như việc cho trẻ tự mặc quần áo chẳng hạn. Dạy trẻ phân biệt mặt trước sau, trái phải, dạy trẻ mặc quần áo như thế nào. Có thể trẻ sẽ mất rất nhiều thời gian trong những lần đầu. Nhưng mẹ nên kiên nhẫn, khuyến khích hoặc khen ngợi trẻ thay vì làm giúp trẻ. Sau một vài lần, trẻ hoàn toàn có thể tự mặc quần áo một cách nhanh chóng.
Khi trẻ tập ăn, để hạn chế bát đũa đổ vỡ và các con bôi bẩn lung tung, cha mẹ Nhật thường trải một tấm thảm nhựa dưới chân ghế ăn và bát, đũa cũng dùng những loại bằng nhựa, được thiết kế đặc biệt phù hợp với khả năng cầm của trẻ và thực phẩm cũng luôn cắt gọt đủ lớn để trẻ có thể tự xúc mà không gặp rắc rối.
Trên bàn ăn, cha mẹ Nhật lúc nào cũng đặt một chiếc khăn ướt và một chiếc khăn ăn để trẻ có thể học theo người lớn tự vệ sinh cho sạch.
Nếu như bồn rửa mặt và đánh răng quá cao thì mẹ Nhật sẽ thiết kế một chiếc ghế để con trèo lên. Quần áo nhiều cúc con chưa biết cởi thì mẹ Nhật sẽ thiết kế những loại khoá kéo, kim băng cài hoặc cúc bấm đơn giản để con có thể tự mặc quần áo.
Trên giày dép của trẻ em Nhật luôn có một hình ngôi sao hoặc hoạ tiết nhỏ thêu vào để bé biết phân biệt giày trái – phải mà tự đi đúng chân. Ở nhà muốn con biết tự cất đồ chơi thì cha mẹ sẽ làm một vài chiếc giỏ, trên đó dán đề can ghi rõ loại đồ chơi với từng giỏ để trẻ hiểu qui tắc mà phân loại, cất giữ đúng chỗ.
Tích cực động viên, khích lệ
Cha mẹ Nhật quan niệm rằng chúng ta làm việc rất nhiều lần mới có thể thành thạo, nên khi trẻ bắt đầu làm dù có chậm hay sai sót thì cũng là chuyện rất bình thường. Do đó mà mẹ Nhật không bao giờ chê trách con cái, ngược lại họ luôn khích lệ để trẻ hào hứng và tự lập hơn.
>Quy trình bảo quản răng sữa có thể cứu tính mạng con bạn sau này (Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Thay vì vứt những chiếc răng sữa đi, nhiều ông bố bà mẹ sẵn sàng chi tiền để bảo quản chúng với hy vọng chữa bệnh cho con họ trong tương lai. |
Tác giả: Đặng Hạnh Nhân