Quy trình bảo quản răng sữa có thể cứu tính mạng con bạn sau này

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Thay vì vứt những chiếc răng sữa đi, nhiều ông bố bà mẹ sẵn sàng chi tiền để bảo quản chúng với hy vọng chữa bệnh cho con họ trong tương lai.

Tiềm năng chữa bệnh của những chiếc răng sữa

Tế bào gốc, vật liệu cấu tạo nên cơ thể nhờ khả năng phát triển thành các loại mô khác nhau, được phát hiện vào năm 1908, bởi nhà khoa học người Nga, Alexander Maksimov. Chúng đã được sử dụng để thay thế những mô bị bệnh và bị tổn thương trong cơ thể. 

Kể từ cuối những năm 60, người ta đã thực hiện cấy ghép tủy xương. Bệnh tim, ung thư, và hỏng giác mạc, tất cả đều đã được điều trị bằng tế bào gốc.

So với lịch sử đó, các tế bào gốc tìm thấy trong răng trẻ em là phát hiện khá mới mẻ. Năm 2003, Tiến sĩ Songtao Shi đã tìm thấy tế bào gốc trong chiếc răng sữa của cô con gái 6 tuổi của ông. 

Răng sữa có chứa các tế bào gốc có khả năng tái tạo xương, mô tim và sụn (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Sau đó, người ta lại phát hiện ra rằng, tủy răng trong đó có chứa vô số các tế bào gốc có khả năng tái tạo xương, mô tim và sụn. Quan trong hơn, nó có chứa các tế bào gốc trung mô (mesenchymal cells), những tế bào có khả năng trở thành các loại tế bào tái sinh, đã từng được sử dụng để phục hồi tủy sống bị tổn thương. Chúng cũng được cho là có tiềm năng để điều trị thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer, Parkinson và các chứng bệnh thần kinh khác. 

Một số bệnh về máu như bệnh bạch cầu có thể được điều trị bằng tế bào gốc. Hiện tại, lựa chọn chủ yếu của những người bị bệnh bạch cầu là tìm người có cùng hệ thống kháng nguyên bạch cầu đồng ý hiến tặng tủy sống. Các tế bào gốc tạo máu được lấy từ tủy xương người hiến tặng sẽ được dùng để thay thế và cấy ghép vào cơ thể bệnh nhân ung thư

Tuy nhiên, trong tương lai, y học có thể tìm ra cách biến một số lượng rất nhỏ tế bào gốc được tìm thấy trong cuống rốn hoặc răng thành một lượng tế bào đủ để chữa trị cho một người trưởng thành bị bệnh bạch cầu.

Những gia đình có thành viên mắc phải các bệnh về di truyền cũng đang đặt hy vọng của họ vào sự tiến bộ của y học hiện đại. Theo đó, bằng việc lưu trữ các tế bào gốc từ răng sữa của chính mình và các thành viên trong gia đinh, họ trông đợi sức khỏe của những người thân trong tương lai sẽ được bảo đảm hơn.

Quy trình bảo quản răng sữa

Khi chiếc răng sữa bị nhổ, chúng sẽ được đưa vào dung dịch đặc biệt tương tự như việc lưu trữ các nội tạng cấy ghép. Dung dịch này cũng có chứa kháng sinh để tiêu diệt các vi khuẩn trên bề mặt răng.

Becca Graham, bé gái người Scotland đầu tiên có tế bào gốc từ răng sữa được lưu trữ bởi cha của mình, đồng thời cũng là một nha sĩ (Ảnh: Internet)

Các tế bào gốc được tìm thấy trong răng sẽ được tách ra và nhân lên gấp nhiều lần để đạt số lượng mong muốn. Các tế bào và mô này sau đó sẽ được bảo quản trong một dung dịch đặc biệt nhằm bảo vệ chúng trong quá trình đông lạnh.

Khác với quy trình làm lạnh lập tức từ vài chục năm trước, giờ đây, các tế bào sẽ được hạ nhiệt dần dần cho đến khi đạt nhiệt độ -196oC. Sau đó, chúng sẽ được bảo quản trong nitơ lỏng trong khoảng thời gian lên tới 30 năm.

Ở nước ngoài, một số phụ huynh đã bắt đầu lưu trữ răng sữa của con em mình thông qua các dịch vụ như BioEden và Store-a-tooth. Tại Anh, chi phí bảo quản răng sữa của trẻ là khoảng hơn 1000 bảng Anh/năm (tương đương khoảng 40 triệu VNĐ) trong vòng 20 - 30 năm. Răng được sử dụng để lưu trữ tế bào gốc nên được nhổ bỏ bởi một nha sĩ, người sẽ xử lý chúng một cách thích hợp để bảo quản.

Một số người tỏ ra hào hứng với dịch vụ này vì sự tiện ích của nó so với việc lưu trữ máu cuống rốn và nhiều tiềm năng to lớn sau này. Tuy nhiên, số khác lại tỏ ý e ngại khi cho rằng những lợi ích được hứa hẹn từ việc làm này có thể không chắc chắn và chỉ làm họ tốn kém vô ích.

Từ năm 2010 đến nay, ở Việt Nam đã có một số ngân hàng tế bào gốc cuống rốn được thành lập tại các cơ sở như Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem, Viện Huyết học và truyền máu Trung ương (Viện HH&TM TƯ), Bệnh viện Nhi Trung ương,... 

Kinh phí cho một ca thu thập dây rốn, phân tích xét nghiệm và xử lý tách tế bào từ một dây rốn hết khoảng từ 800 đến 2.500 USD (tương đương 13 đến 40 triệu đồng), tùy theo số loại tế bào muốn cất giữ và thời gian yêu cầu lưu giữ (giá tại thời điểm năm 2010, khi Ngân hàng tế bào gốc cuống rốn đầu tiên, MekoStem thành lập). 

Từ tháng 2.2014, Viện HH&TM TƯ và BV Phụ sản Hà Nội cho phép những bà mẹ khỏe mạnh sinh tại BV Phụ sản Hà Nội đồng ý và đủ điều kiện được gửi mẫu tế bào gốc từ máu cuống rốn miễn phí tại Viện HH&TM TƯ trong 18 năm.

Chi phí lưu trữ năm đầu tiên là hơn 25 triệu, các năm sau là 2,5 triệu/năm, đối với những trường hợp gia đình sản phụ muốn gửi mẫu tế bào gốc theo hình thức dịch vụ tại Viện HH&TM TƯ.

Khi có nhu cầu sử dụng mẫu tế bào gốc, chi phí mua ở Việt Nam sẽ vào khoảng 7.000 - 8.000 USD/mẫu.

Vì sao bác sĩ khuyên bạn giữ lại răng sữa của trẻ?
Vì sao bác sĩ khuyên bạn giữ lại răng sữa của trẻ?
(Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Việc làm tưởng chừng như vô nghĩa này lại có thể đem đến lợi ích rất lớn cho con bạn trong tương lai.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn