Kết hôn lúc 20t nhưng mãi không đậu thai, vợ chồng U60 giờ mới được bế con đầu lòng: Sinh đôi đủ nếp-tẻ

( PHUNUTODAY ) - Sau nhiều năm không có thai tự nhiên, vận may đã mỉm cười với cặp vợ chồng U60 đến từ Hải Phòng.

Sản phụ U60 sinh đôi nhờ IVF

Báo Phụ nữ TP. HCM đưa tin, PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cho biết bệnh viện đã thực hiện thành công ca mổ đẻ cho sản phụ H.T.L. (hơn 50 tuổi, ở Tiên Thanh, Tiên Lãng, Hải Phòng).

Bác sĩ cho biết, sản phụ L. làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) khi vợ chồng đã ngoài 50 tuổi. Đây cũng là lần đầu chị L. mang thai. Chị mang song thai, 1 trai, 1 gái. Lúc mới làm IVF, chị L. có một khối u xơ tử cung kích thước lớn hơn 5cm.

Ca mổ lấy thai diễn ra ở tuần thứ 35 của thai kỳ. Khi đó, khối u đã tăng kích thước lên thành 10x13cm.

Hai em bé chào đời khỏe mạnh. Bé trai nặng 2kg, bé gái nặng 1,9kg. Do còn non tháng nên hai bé được chuyện đến khoa Nhi của bệnh viện để được chăm sóc đặc biệt.

Sức khỏe của hai em bé ổn định.

Được biết, chị L. kết hôn năm 20 tuổi. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua chị không thể có thai tự nhiên. Hai vợ chồng đã khám và điều trị ở một số bệnh viện, một lần làm IVF nhưng không thành công. Phần vì bận công việc, phần vì kinh tế, cả hai quyết định nhận một bé sơ sinh về làm con nuôi.

Khi con lớn, kinh tế ổn định, hai vợ chồng chị L. quyết định thử vận may dù biết mình đã lớn tuổi. Không ngờ, ngay từ lần chuyển phôi đầu tiên đã thành công và chị mang song thai.

Theo VnExpress, đây là trường hợp rất đặc biệt vì với phụ nữ ngoài 50 tuổi, khả năng có con tự nhiên là rất khó và rất ít trường hợp còn trứng. Vì vậy, thụ tinh ống nghiệm cũng rất khó khăn.

Những rủi ro khi mang thai ở tuổi trên 50

Phụ nữ lớn tuổi khi sinh con cần biết trước những nguy cơ để chuẩn bị tâm lý cũng như sức khỏe cho quá trình mang thai. Phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt là người trên 40 tuổi mang thai sẽ có nhiều nguy cơ cho cả mẹ và con.

Người mẹ sẽ phải đối mặt với những nguy cơ như sẩy thai, băng huyết sau sinh, tiền sản giật, sản giật, nhau tiền đạo.

Quá trình mang thai cũng có thể khiến các bệnh mãn tính trước đó (nếu có) của mẹ trở nên nghiêm trọng hơn.

Tất nhiên, mẹ bầu lớn tuổi vẫn có thể có một thai kỳ khỏe mạnh nếu được chăm sóc tốt.

Bên cạnh đó, do mẹ càng lớn tuổi, các nhiễm sắc thể trong trứng càng dễ dính vào nhau nên các bé có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng Down, Edwards…

Vì biến chứng thai kỳ dễ xảy ra hơn, phụ nữ lớn tuổi mang thai cần được bác sĩ sản khoa thăm khám, tư vấn và theo dõi sát sao trong suốt thai kỳ.

Tác giả: Thanh Huyền