Khăn dùng lâu bị nhớt, có mùi hôi, ngâm trong thứ nước này là sạch như mới

( PHUNUTODAY ) - Nếu bạn gặp tình trạng khăn bị nhớt và có mùi khó chịu, hãy áp dụng ngay cách này để làm sạch.

Trong cuộc sống, khi rửa mặt, gội đầu hay tắm rửa, chúng ta đều sử dụng đến khăn. Khăn là vật dụng được dùng hàng ngày nên nếu không được vệ sinh, khăn sẽ xuất hiện nhiều vi khuẩn, gây nhớt và có mùi hôi. Sử dụng khăn bẩn sẽ gây ra tình trạng khô da, viêm lỗ chân lông, nổi mụn, dị ứng...

Hãy học ngay mẹo dưới đây để làm sạch khăn, đảm bảo khăn không bị nhớt, hôi, sạch khuẩn, an toàn khi sử dụng.

Nguyên nhân khiến khăn bị nhớt và có mùi hôi

Khăn bị nhớt và có mùi hôi chử yếu là do tích tụ các chất bẩn từ dầu nhờ, mồ hôi và tế bào chết trên da. Đây là "thức ăn" lý tưởng cho các loại vi khuẩn phát triển. Khi vi khuẩn phát triển mạnh, khăn sẽ bị nhớt và có mùi khó chịu.

Ngoài ra, nhiều người có thói quen phơi khăn ngay trong nhà tắm, nhà vệ sinh. Đây là nơi có độ ẩm cao, khả năng lưu thông không khí kém. Khi để khăn ở đây, vi khuẩn càng phát triển mạnh.

Cách làm sạch khăn

Làm sạch khăn bằng nước muối

Khi khăn bị dính nhớt và có mùi hôi, bạn có thể sử dụng nước muối để làm sạch. Hãy chuẩn bị một chậu nước và bỏ một ít muối hạt, bột giặt vào khuấy đều cho tan. Bỏ khăn vào ngâm trong nước này khoảng 10 phút rồi đem giặt và xả lại bằng nước sạch.

Giấm trắng

Hãy pha giấm trắng với nước theo tỷ lệ 1:10 rồi cho khăn vào ngâm trong đó khoảng 15 phút. Sau đó, giặt lại khăn bằng bột giặt. Các cặn bẩn trên khăn sẽ được loại bỏ.

Lưu ý, không nên pha quá nhiều giấm vì lượng giấm nhiều có thể khiến khăn có mùi chua của giấm, phải giặt nhiều lần mới sạch.

Nước vo gạo

Bạn có thể tận dụng nước vo gạo để làm sạch khăn. Trong nước vo gạo có nhiều thành phần có khả năng đánh tan vết dầu. Bạn chỉ cần bỏ khăn vào ngâm trong nước vo gạo khoảng 10 phút. Sau đó, lấy khăn ra và giặt lại bằng xà phòng. Các vết bẩn và mùi hôi của khăn sẽ được loại bỏ.

Một số lưu ý khi sử dụng khăn

Khử trùng thường xuyên

Muốn loại bỏ vi khuẩn trong khăn, bạn nên khử trùng khăn thường xuyên.

Có thể sử dụng nước nóng ở nhiệt độ cao để ngâm khăn giúp loại bỏ các cặn bẩn đồng thời diệt khuẩn. Lưu ý, ở nhiệt độ cao, các sợi vải trong khăn có thể bị biến dạng và trở nên khô cứng. Do đó, bạn chỉ nên sử dụng cách này 1 lần/tuần.

Phơi khăn ngoài ánh nắng mặt trời

Sau khi sử dụng, bạn nên tránh phơi khăn trong nhà tắm, nhà vệ sinh. Trong môi trường ẩm ướt, khăn lâu khô, vi khuẩn càng sinh sôi nhanh. Hãy phơi khăn ở nơi khô thoáng, có ánh nắng mặt trời để khăn luôn sạch sẽ. Ánh nắng mặt trời cũng có tác dụng trong việc diệt khuẩn.

Thay khăn định kỳ

Đối với khăn mặt, bạn có thể thay khăn sau khoảng 3 tháng sử dụng để đảm bảo cho sức khỏe của bản thân cũng như người thân trong gia đình.

Mỗi người nên sử dụng khăn riêng của mình, không dùng chung khăn với người khác để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn cũng như một số loại bệnh.

Tác giả: Thanh Huyền