Kinh hãi: Đường dây mua bán bào thai qua biên giới bị phát hiện

( PHUNUTODAY ) - Sau khi về nước, Ánh quay lại TP. Hồ Chí Minh sinh sống. Không nghề nghiệp, lại bụng mang dạ chửa, nghĩ đến tương lai đen tối của bản thân, Ánh cùng cực đã nghĩ đến việc bán con.

Theo báo Công an Nhân dân, mới đây, Đại úy Lê Anh Quân, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Móng Cái cho biết, thời gian gần đây, tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có những diễn biến phức tạp. Ngoài mua bán bào thai, đối tượng còn mua bán trẻ sơ sinh là nữ, phụ nữ là người Campuchia..., điều này khác hẳn với trước đây, đối tượng thường nhằm vào trẻ sơ sinh là nam giới.

Công an TP Móng Cái làm việc với các đối tượng và nạn nhân trong đường dây mua bán người.

Qua giới thiệu bạn bè, giữa năm 2016, Phan Ngọc Ánh (27 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh) lấy một người đàn ông Trung Quốc tên là A Long. Đến tháng 5-2016, Ánh mang thai với A Long nhưng nhà chồng không tin tưởng, cho rằng cái thai trong bụng Ánh không phải là con, cháu họ nên đối xử với Ánh rất hà khắc.

Trong tình cảnh đó, Ánh đã tìm cách bỏ trốn. Khoảng một tháng sau đó, Ánh trốn khỏi nhà A Long... Nhưng khi đi đến tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) thì bị Công an Phúc Kiến bắt giữ về hành vi nhập cảnh trái phép. Ngày 7-9-2016, Ánh được Công an Trung Quốc trao trả về Việt Nam.

Sau khi về nước, Ánh quay về TP Hồ Chí Minh sinh sống. Không nghề nghiệp, lại bụng mang dạ chửa, nghĩ đến tương lai đen tối của bản thân, Ánh cùng cực đã nghĩ đến việc bán con. Khoảng giữa tháng 10-2016, Ánh liên lạc với người phụ nữ tên là Trần Thị Minh Hồng (28 tuổi, trú tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) kể về việc đang mang thai nhi là nam giới được gần 7 tháng tuổi.

Qua câu chuyện, Ánh cũng kể với Hồng về gia cảnh khó khăn của gia đình, nhờ Hồng tìm người Trung Quốc mua con của Ánh, sau khi sinh. Hồng nhận lời rồi liên lạc với một người phụ nữ tên Vy (hiện lấy chồng và sinh sống tại Trung Quốc), là bạn quen biết, nhờ tìm người có nhu cầu mua bán bào thai. Một người cháu họ của Thu (bạn làm ăn cùng với Vy) đồng ý mua con của Ánh với giá 50 nghìn NDT.

Vy thỏa thuận, Hồng có trách nhiệm đưa Ánh từ TP Hồ Chí Minh ra Móng Cái rồi tìm người đưa Ánh sang Trung Quốc, Vy sẽ đón Ánh tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) rồi đưa về nhà chăm sóc. Khi Ánh sinh con xong thì người mua con của Ánh sẽ trả cho Ánh 50 nghìn NDT.

Tuy nhiên, Ánh chỉ nhận được 30 nghìn NDT, số tiền còn lại thì Vy dùng vào việc chi phí chăm sóc, đi lại của Ánh và trả công cho Hồng nhưng chưa nói rõ cụ thể phải trả cho việc giới thiệu, tìm người mua con cho Ánh là bao nhiêu.

Khoảng 17h ngày 7-11-2016, Ánh từ TP Hồ Chí Minh ra Móng Cái, được Hồng đưa về nhà nghỉ Thiên Hương ở phường Ka Long, TP Móng Cái nghỉ ngơi, đợi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Trong thời gian ở đây, Hồng đã được Vy tạm ứng 1.200 NDT để chi phí cho Ánh trong quá trình xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc...

Khoảng 8h, ngày 8-11-2016, Hồng gọi cho lái xe ôm là Nguyễn Văn Hùng, nhờ đưa Ánh đi vào khu vực biên giới để Ánh tìm cách xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc thì bị Công an TP Móng Cái kiểm tra, phát hiện.

Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Lê Anh Quân, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Móng Cái cho biết: Căn cứ vào tài liệu thu thập, hành vi của Phan Ngọc Ánh và Trần Thị Minh Hồng có dấu hiệu của tội mua bán trẻ em, được quy định tại điều 120 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, vào thời điểm được phát hiện, Ánh mới mang thai được 7 tháng nên chưa giao, nhận con. Việc Ánh và Hồng có hành vi bán thai nhi đã được ngăn chặn kịp thời nên chưa có hậu quả xảy ra, chưa cấu thành tội danh trên. Đội trưởng Lê Anh Quân cũng bộc lộ những trăn trở:

Trong các vụ việc này, đối tượng thường tập trung vào những phụ nữ quá lứa, lỡ thì, các cô gái có hoàn cảnh éo le..., có nhu cầu bán bào thai. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, giữa các đối tượng có sự câu kết chặt chẽ ở cả trong và ngoài nước.Trong khi đó, đến thời điểm này chưa có tiền lệ xử lý các vụ việc như trên nên gây khó khăn cho công tác điều tra.

 Ảnh minh họa.

Ngoài vụ mua bán phụ nữ là người Việt Nam, trong năm 2016, Công an TP Móng Cái còn phát hiện một vụ mua bán phụ nữ người Campuchia. Ngày 16-9-2016, Công an TP Móng Cái kiểm tra hành chính phòng 401, nhà nghỉ Thiên Hương, ở khu 2, phường Ka Long (TP Móng Cai), phát hiện 4 trường hợp phụ nữ nghi vấn liên quan đến hoạt động mua bán người. Quá trình kiểm tra, xác định có 3 trường hợp là phụ nữ mang quốc tịch Campuchia.

Quá trình đấu tranh, đối tượng Lê Thị Vân (SN 1985, trú tại xã Tân Tiến, huyện Đàm Dơi, tỉnh Cà Mau) cho biết, trước đó chị ta được một người phụ nữ tên Thúy nhờ đưa 3 phụ nữ Campuchia đi từ TP Hồ Chí Minh ra Móng Cái, giao cho một người Trung Quốc tên là Hoàng Tài Toàn (43 tuổi, ở Đông Hưng, Trung Quốc) bán.

Căn cứ vào lời khai của Vân, cơ quan CSĐT Công an TP Móng Cái đã triệu tập Hoàng Tài Toàn và Trần Văn Sỹ (47 tuổi, ở phường Hải Yên, TP Móng Cái để phục vụ công tác điều tra.

Vụ việc sau đó được chuyển giao cho Cục C45 điều tra, xử lý. Trước đó, vào ngày 13-6-2016, tổ công tác của Công an TP Móng Cai trong quá trình tuần tra, kiểm soát đã phát hiện Cốc Thị Hợi (20 tuổi, ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) và Đặng Thị Kim Tho (Tam Bình, Vĩnh Long), khi đang đưa một cháu bé là nữ, khoảng 1 tháng tuổi, sang Trung Quốc bán...

Theo lãnh đạo Công an TP Móng Cái thì mua bán bào thai, trẻ em gái... là thủ đoạn phạm tội rất mới, được phát hiện trong năm 2016. Trong vụ việc này, nhóm đối tượng mua bán người hình thành các đường dây khép kín. Chúng lợi dụng địa bàn Móng Cái làm khu vực trung chuyển để tổ chức đưa, dẫn người sang Trung Quốc.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, một số đối tượng còn lách luật, thực hiện hành vi phạm tội ở Trung Quốc, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy bắt và giải cứu nạn nhân. Để ngăn chặn tình trạng mua bán người, ngoài việc đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an TP Móng Cái phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên tiến hành công tác tuần tra, kiểm soát, ở các khu vực trọng điểm; các đường mòn, lối mở...

Cùng với đó là việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, nhà nghỉ, khách sạn; vận động người dân tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm. Trong năm 2016, Công an TP Móng Cái đã phối hợp với Công an Trung Quốc, giải cứu cho nhiều nạn nhân bị lừa bán trở về nước đoàn tụ cùng gia đình.

“Ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng thì ý thức cảnh giác của mỗi người dân là rất quan trọng”, Đại úy Lê Anh Quân chia sẻ. Phần lớn các nạn nhân bị lừa đưa ra Móng Cái đều ở tỉnh ngoài, có tuổi đời quá trẻ, đều bị lừa dưới hình thức xin việc làm... Vì thế, cần tăng cường việc tuyên truyền phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người để người dân nâng cao cảnh giác” .

Hành vi buôn bán phụ nữ và trẻ em bị xử lý như thế nào?

Hành vi buôn bán phụ nữ và trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm. Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống buôn bán người số 66/2011/QH12. Tại Điều 3 của luật này quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có các hành vi mua bán phụ nữ; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. Luật này cũng quy định rất rõ về trách nhiệm của các cơ quan trong việc phòng, chống buôn bán người. Tuy nhiên, trên thực tế, đặc biệt là ở các tỉnh biên giới phía Bắc, tình trạng lừa bán phụ nữ và trẻ em vẫn diễn ra phức tạp. Những người thực hiện hành vi lừa đều dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và lợi dụng sự cả tin, sự thiếu hiểu biết của nạn nhân để đạt được mục đích.

Theo quy định của pháp luật hình sự, những người có hành vi vi phạm đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 119 và 120 của Bộ luật Hình sự, như sau: Điều 119 Tội mua bán phụ nữ: 1. Người nào mua bán phụ nữ thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm: a) Mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm; b) Có tổ chức; c) Có tính chất chuyên nghiệp; d) Để đưa ra nước ngoài; đ) Mua bán nhiều người; e) Mua bán nhiều lần. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Điều 120 Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em: 1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Vì động cơ đê hèn; d) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều trẻ em; đ) Để đưa ra nước ngoài; e) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo; g) Để sử dụng vào mục đích mại dâm; h) Tái phạm nguy hiểm; i) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm.

Ảnh minh họa.

Hiện hành vi mua bán thai nhi cũng bị xử lý theo điều 120 "Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em". Nguyên do, dù hành vi trao đổi, gạ gẫm diễn ra khi người mẹ còn mang thai nhưng thời điểm mà đối tượng nhận con và giao hết số tiền lại sau khi sinh (thường sau khi sinh ít ngày hoặc một, hai tháng), tức tội phạm hoàn thành khi đứa trẻ đã sinh ra.

Tác giả: Vũ Thêm