Làm sao để nhận biết trẻ sốt do mọc răng?

( PHUNUTODAY ) - Sốt nhẹ, đau lợi khi mọc răng làm cho bé quấy khóc hơn bình thường, do đó các mẹ cần có hướng chăm sóc bé đúng cách và có chế độ dinh dưỡng tốt cho bé.

 Biểu hiện của trẻ bị sốt do mọc răng

Khi mọc răng, trẻ thường sốt, khó chịu, cảm thấy đau nhức và quấy rất nhiều. Sau đó, các triệu chứng có thể tự khỏi khi răng bé nhú lên.Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, trẻ bị sốt bởi những nguyên khác nhưng mẹ lại nhầm lẫn sang sốt do mọc răng và không có sự can thiệp kịp thời, dẫn đến nguy hiểm cho các bé.

Bài viết này sẽ giúp các mẹ phân biệt được đâu mới đúng là triệu chứng của trẻ sốt mọc răng và cách xử lí khi bé bị những cơn sốt mọc răng “quấy nhiễu”.

Các triệu chứng của trẻ sốt mọc răng

Theo bác sĩ Đỗ Hoàng Việt (Khoa nhi, bệnh viện Nhi Quảng Ninh) cho biết: “Sốt là hiện tượng tăng nhiệt độ cơ thể hơn mức bình thường (36.5-37.5°C). Đa phần nguyên nhân sốt ở trẻ em là do nhiễm khuẩn (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng,…). Còn trẻ sốt mọc răng cơ thể ở mức 38-38,5 °C, một số trường hợp sốt cao là do tiến triển bệnh cấp tính gây viêm quanh thân răng hoặc áp xe quanh thân răng”. Do vậy, trẻ sốt mọc răng và sốt thường hoàn toàn khác nhau.

Ngoài ra, Viện Nha khoa Nhi Mỹ khẳng định, sốt cao hơn 39 độ không nên quy kết cho bất cứ vấn đề gì về răng, bao gồm mọc răng.

Khi mọc răng, cơ thể của trẻ yếu đi nên trẻ dễ bị bệnh, bị rối loạn tiêu hóa. 

 Trẻ mọc răng có thể sốt hoặc không sốt. Phần lớn, trẻ sốt trong quá trình mọc răng là do viêm lợi. Bác sĩ Việt cho biết, trẻ sốt mọc răng thường có những triệu chứng sau:

– Trẻ chảy dãi: Nhiều trẻ khi mọc răng thường chảy nước miếng và thích ngậm gì đó trong miệng. Khi mọc răng, cơ thể của trẻ yếu đi nên trẻ dễ bị bệnh, bị rối loạn tiêu hóa. Vào thời kì này hoặc sớm hơn, trẻ thường bị sốt nhẹ.

– Khi mọc răng, trẻ thường mệt mỏi, quấy khóc, ít ngủ và bứt rứt khó chịu trong người.

– Nướu có thể bị sưng đỏ làm trẻ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu tại chỗ răng đang nhú lên. Giai đoạn này, trẻ thường cho ngón tay, đồ chơi vào miệng để cắn. Những triệu chứng này thường xảy ra trước khi răng nhú lên 3-5 ngày. Ngoài ra, nướu nứt ra, có thể bị nhiễm trùng vùng răng miệng. Những triệu trứng này khiến trẻ thường quấy khóc nhiều, ăn uống kém và có thể bị sụt cân.

Sốt nhẹ, đau lợi khi mọc răng làm cho bé quấy khóc hơn bình thường, do đó các mẹ cần có hướng chăm sóc bé đúng cách và có chế độ dinh dưỡng tốt cho bé.

Cách chăm sóc bé khi sốt mọc răng

Khi thấy bé nóng, nên nhanh chóng cặp nhiệt độ cho bé. Khoảng gần 38oC là bé sốt vừa, trên 38oC là bé sốt cao. Nếu bé sốt cao, bạn nên đưa bé đi khám sớm. Bởi vì, bé sốt gần 39oC có thể kéo theo dấu hiệu bị co giật toàn thân, thiếu oxy não, tổn thương các tế bào thần kinh khiến bé bị hôn mê (hoặc tử vong).

Nếu bé sốt tới 38,5 độ C trở lên, bạn có thể dùng Paracetamol để hạ sốt, liều lượng 10-15 mg cho một kg cân nặng, cứ 4 giờ cho uống một lần. Nếu bé sốt nhẹ hơn thì không cần uống thuốc.

Có thể lau mát hạ sốt cho bé bằng nước ấm, tránh dùng nước quá lạnh hay nước quá nóng. Mẹ nên tăng cường các cữ bú cho bé trong ngày. Nếu bé không bú được, mẹ cần vắt sữa và cho bé ăn bằng thìa.

Với bé lớn hơn, khuyến khích bé uống thêm nước lọc (hoặc có thể pha sữa bình cho bé loãng hơn bình thường). Trường hợp bé không uống được nước, dùng tăm bông sạch chấm nước vào môi, miệng bé để bé không bị khô môi và cũng tránh được tình trạng mất nước.

Khi thấy bé có biểu hiện bất thường, nên nhanh chóng cặp nhiệt độ cho bé 

 Nếu bé bị sốt cao, co giật, lấy một chiếc khăn mềm, nhỏ, gấp lại rồi kẹp vào miệng bé, đề phòng bé cắn vào lưỡi.

Tiếp đến, đưa bé đi khám càng sớm càng tốt. Hết sức thận trọng vì nếu không xử lý kịp thời, bé sẽ gặp nguy hiểm về sức khỏe hoặc để lại những di chứng nặng nề sau này như: chậm phát triển trí tuệ, rối loạn thần kinh… Sốt cao co giật hay đi kèm các dấu hiệu khác như: phát ban, khó thở…

Dinh dưỡng cho trẻ đang mọc răng

Khi trẻ sốt mọc răng, cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp để bé duy trì được sức khỏe và cân nặng. Bác sĩ Việt khuyên: "Khi thấy trẻ mọc răng có biến chứng viêm lợi, các mẹ nên cho trẻ ăn đồ mềm, nguội và ít gia vị. Đặc biệt, cho trẻ uống nhiều nước".

Trong giai đoạn này, mẹ nên nấu các món ăn mềm như cháo, canh,…để trẻ bớt phải nhai và dễ nuốt. Và chia nhỏ, tăng số bữa ăn hằng ngày cho trẻ. Đặc biệt, giai đoạn này mẹ cần bổ sung nhiều hàm lượng canxi trong thực đơn của trẻ như cá, tôm,… và các loại quả như: cam, dâu, kiwi,.. Ngoài ra, mẹ cần cho bé uống thêm sữa, nước trái cây ép để bổ sung vitamin.

Kẽm và selen cũng là chất dinh dưỡng mẹ cần bổ sung cho trẻ, giúp trẻ có cảm giác ngon miệng khi ăn, tăng cường sức đề kháng, chống oxy hóa. Kẽm và selen có nhiều trong thịt, hải sản và rau xanh.

Lưu ý:

Bé sốt do mọc răng, bé sẽ bị sốt nhẹ trong vòng vài ngày. Nếu bé bị sốt cao liên tục, nôn mửa có thể bé bị một bệnh khác chứ không phải do mọc răng.

Tác giả: Hang Dinh