Vào tối 15/8 năm ngoái, tại lễ Vu Lan rằm tháng bảy ở chùa Quán Sứ đã xuất hiện tình trạng người dân tham dự đã vội vã lao vào tranh giành đồ cúng khá hỗn loạn. Cảnh xô đẩy, tranh giành đồ cúng này diễn ra ngay khi các nhà sư đang tiến hành làm lễ.
Theo các nhà nghiên cứu tâm linh, việc xin lộc là phong tục dân gian, là một trong những biểu hiện của tín ngưỡng dân gian dung hòa với Phật giáo. Nhưng cách thức xin lộc cần an toàn. Còn cướp lộc tới mức xô đẩy, tranh giành, đè bẹp, mất cả giày dép, nát cả lộc như năm ngoái là đã mất an toàn.
Người thiếu hiểu biết về đạo Phật mới cướp lộc, cho thấy họ chưa ý thức được ý nghĩa của nghi lễ cúng chúng sinh. Chưa kể tranh giành, cướp lộc có thể gây họa, làm náo loạn chùa chiền, nguy hại đến những người xung quanh, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ.
Theo báo Gia đình và Xã hội, ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho biết, để xảy ra cướp lộc không chỉ là lỗi của người đi lễ, mà là lỗi của Ban hành lễ, thày chủ sám cũng phải liên đới vì không thuyết giảng cho các Phật tử hiểu "thế nào là lộc Phật". Vì vậy người dân nghĩ rằng các thứ cúng kiếng đó là "lộc Phật, lộc Thánh..." nên mới cướp các thứ "lộc trời cho" đó .
Những thứ cúng kiếng xuất phát không phải là "lộc Phật", mà là "lộc chúng sinh", là lộc phàm do chúng sinh dâng cúng. Người dân đi lễ chùa không được nghe giảng chánh pháp, đi lễ chùa các nhà sư, ban hành pháp không nhắc nhở, cộng với câu cửa miệng "một miếng lộc thánh bằng gánh lộc trần" làm cho tham sân si trỗi dậy, dẫn đến hành vi "cướp lộc".
Những thứ do tranh giành, cướp giật mà có được thì không thể là lộc Phật, lộc Thánh, mà chỉ là lộc của "quỷ đói", nên ai cướp giật thì "ngạ quỷ" sẽ theo về.
Vì vậy, các nhà chùa, ban hành lễ cần hướng dẫn người dân đi lễ cách thức lễ, xin lộc để đảm bảo an toàn. Và nhận lộc, lấy lộc mà vẫn để phần cho người khác nữa mới là thấm nhuần giáo pháp.
Tác giả: Minh Khánh