Mất bao lâu để F0 hồi phục hoàn toàn sau âm tính: BS phân tích từng triệu chứng cụ thể

( PHUNUTODAY ) - Rất nhiều người có chung thắc mắc rằng mất bao lâu để F0 có thể phục hồi hoàn toàn sau khi âm tính.

Sau khi nhiễm Covid-19, có nhiều người băn khoăn tự hỏi không biết tới lúc nào họ mới thực sự khỏe hẳn. Không còn cảm thấy mệt mỏi, hay bất cứ vấn đề nào thuộc "hậu covid".

Hậu Covid-19 xuất hiện vào thời gian nào?

Với y khoa thế giới, bệnh Covid-19 vẫn còn rất mới. Vì vậy các di chứng sau khi khỏi Covid được các nhà nghiên cứu y khoa vẫn theo dõi và chưa hiểu hết được một cách tường tận.

Theo CDC Mỹ định nghĩa, “Tình trạng hậu Covid-19” là những hậu quả sức khoẻ về mặt thể chất cũng như tâm thần (physical and mental health consequences) kéo dài trên 4 tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Hậu quả sức khoẻ này bao gồm hai tình huống. Đó là các triệu chứng kéo dài, không thể phục hồi lại thể trạng bình thường như trước đây hoặc bệnh nhân F0 xuất hiện các triệu chứng mới hoặc tái phát các triệu chứng khi đã khỏi Covid.

Viện Y tế và Chất lượng Điều trị Quốc gia (NICE) và Viện Sức khỏe Quốc gia (NHS) của Anh lại áp dụng mốc thời gian từ trên 12 tuần, nhưng họ dùng thuật ngữ "Long Covid" để áp dụng mốc từ 4 tuần trở lên và những khuyến cáo chăm sóc cũng là dành cho nguyên cả phổ "Long Covid" nên thực ra không có sự khác biệt giữa Anh và Mỹ.

Tình trạng hậu Covid-19 khá thường gặp. Trong đó, các nhà nghiên cứu quan sát thấy thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Nghiên cứu xuất bản trên tạp chí The Lancet ngày 28/8/2021, theo dõi những bệnh nhân Covid-19 còn sống sau một năm ghi nhận rằng, tại thời điểm 12 tháng sau khi khởi bệnh, tỉ lệ nữ còn các vấn đề về phổi nhiều gấp 3 lần nam. Tại thời điểm 12 tháng sau khi khỏi bệnh, tỉ lệ nữ có các vấn đề lo lắng hay trầm cảm nhiều gấp 2 lần nam.

Còn ở trẻ em, tình trạng Hậu Covid-19 vẫn có nhưng ít hơn. Theo một nghiên cứu tại Ý, trên 129 trẻ, 42.6% trẻ vẫn còn ít nhất một triệu chứng kéo dài trên 60 ngày sau khi bắt đầu nhiễm.

Trong khảo sát tại Anh, một nghiên cứu đã cho thấy tỉ lệ 12.9% trẻ 02-11 tuổi và 14.5% trẻ 12-16 tuổi vẫn còn ít nhất một triệu chứng kéo dài trên 5 tuần sau khi bắt đầu nhiễm.

Các nhà quan sát nhận thấy các bệnh nhân Covid-19, cùng với tình trạng cách ly nghiêm ngặt, thường phát sinh các triệu chứng trầm cảm, lo âu hoặc thay đổi tâm trạng. 

Hậu quả của tình trạng hậu Covid

Tình trạng hậu Covid có thể dẫn đến một loạt các hậu quả về thể chất, xã hội và tâm lý, cũng như các hạn chế về sức khoẻ có thể gây ra những ảnh hưởng đáng kể lên thể trạng của bệnh nhân và chất lượng cuộc sống sau này.

Điều này đã được ghi nhận ban đầu trong một nghiên cứu trên 431 bệnh nhân Covid-19 ở Thuỵ Sĩ, sau khoảng từ 6-8 tháng sau đợt bệnh đầu tiên. Nghiên cứu đã chỉ ra, có 26% bệnh nhân vẫn không hồi phục hoàn toàn, 55% bệnh nhân vẫn còn thấy mệt mỏi, 25% bệnh nhân vẫn còn khó thở và 26% bệnh nhân vẫn còn triệu chứng của trầm cảm. Tại Vũ Hán, Trung Quốc, nghiên cứu xuất bản trên tạp chí The Lancet ngày 28/8/2021, theo dõi 1276 bệnh nhân Covid-19 còn sống sau một năm, ghi nhận có 68% bệnh nhân vẫn còn ít nhất một triệu chứng sau 6 tháng và 49% bệnh nhân vẫn còn ít nhất một triệu chứng sau 12 tháng.

Ngoài ra, kết quả còn cho thấy có 26% bệnh nhân vẫn còn cảm thấy lo lắng hay trầm cảm sau 6 tháng và 23% bệnh nhân vẫn còn cảm thấy lo lắng hay trầm cảm sau 12 tháng (tỉ lệ này ở người lớn không bị Covid-19 chỉ là 5%).

Một điều đáng quan tâm được nêu ra trong nghiên cứu của các nhà khoa học tại CDC Hoa Kỳ là tình trạng tái nhập viện với các lý do ghi nhận được: suy hô hấp, nhiễm trùng, viêm phổi, suy tim, các đợt huyết khối, các vấn đề liên quan tâm thần và té ngã…

Trong nghiên cứu này các chuyên gia đã ghi nhận, 9–15% tái nhập viện trong vòng 2 tháng sau xuất viện, gần 30% tái nhập viện trong vòng 6 tháng sau xuất viện.

Vì vậy họ đã nhấn mạnh sự cần thiết phải theo dõi chặt chẽ trong những tháng đầu sau khi xuất viện, cho dù là vì tình trạng hậu Covid hay vì các vấn đề sức khỏe khác. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ gây tái nhập viện hay gặp ở bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nền mạn tính (COPD, cao huyết áp), thời gian nằm viện lúc đợt bệnh cấp tính ngắn, không cho kháng đông liều điều trị khi bệnh nhân nằm viện…

Trong một nghiên cứu với hơn 100 ngàn bệnh nhân Covid-19 nhập vào các bệnh viện ở Mỹ, trong số những người đã xuất viện có đến 9% phải tái nhập viện trong vòng 2 tháng tại cùng một bệnh viện. Các yếu tố nguy cơ của tái nhập viện trong khảo sát này gặp ở bệnh nhân trên 65 tuổi, có bệnh nền (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim, tiểu đường có biến chứng, bệnh thận mạn, béo phì BMI bằng hoặc trên 30 kg/m²). Tại Anh, một khảo sát gần 50 ngàn bệnh nhân Covid-19 được xuất viện, cũng ghi nhận 30% phải tái nhập viện và 12% tử vong sau khi xuất viện, thời gian theo dõi trung bình 140 ngày.

Đây chính là các con số cần được xã hội quan tâm, cần được xem xét và cần có giải pháp giảm xuống. Theo dữ liệu ban đầu, thời gian hồi phục có vẻ tuỳ thuộc tình trạng bệnh nền của bệnh nhân trước cơn bệnh mắc phải này và độ nặng của đợt bệnh cấp tính.

Người ta nhận thấy, bệnh nhẹ thường hồi phục nhanh trong vòng 2 tuần; người già lớn tuổi, bệnh nền, đợt bệnh cấp nặng, có biến chứng, phải nằm viện lâu, nằm ICU: bệnh nặng, cần nhập viện: hồi phục lâu hơn từ 2-3 tháng hoặc lâu hơn.

Thế nhưng, những dữ liệu sau đó cho thấy, ngay cả ở những bệnh nhân bệnh nhẹ, không cần nằm viện cũng có báo cáo về các triệu chứng kéo dài.

Ngoài ra, “Tình trạng hậu Covid-19” có thể xảy ra sau một đợt nhiễm cấp tính bất chấp mức độ nặng của đợt nhiễm đó (ngay cả bệnh mức độ nhẹ hoặc không triệu chứng cũng có thể bị). Vẫn có những báo cáo về tình trạng suy nhược sau Covid kéo dài vài tháng sau đợt bệnh cấp tính ngay cả ở những người trẻ có sức khoẻ tốt trước khi nhiễm SARS-CoV-2.

Thời gian hồi phục khi mắc hậu Covid

Trong những triệu chứng dai dẳng, thường gặp nhất phải kể đến là mệt mỏi, giảm thể lực, giảm khả năng gắng sức, khó thở, tình trạng “Brain Fog” (sương mù não) với các triệu chứng như: giảm trí nhớ, giảm tập trung hay giảm nhận thức… Ngoài ra, triệu chứng ho và đau ngực cũng rất thường gặp.

Các nhà quan sát nhận thấy các triệu chứng như mệt mỏi, yếu cơ, giảm thể lực thường gặp nhất. Theo nghiên cứu lớn nhất, mới nhất trên The Lancet, 52% bệnh nhân vẫn còn tại thời điểm 6 tháng và 20% vẫn còn tại thời điểm 12 tháng sau khởi bệnh. Vấn đề gây lo lắng cho bệnh nhân khá nhiều chính là khó thở.

Trong đó, khó thở thường gặp ở những bệnh nhân đã trải qua đợt bệnh cấp tính nặng phải hỗ trợ thông khí (HFNC, NIV, thở máy) khi nằm viện (39%) hơn là những bệnh nhân không cần thở oxy (25%).

Một triệu chứng khác là ho kéo dài thì hầu hết hồi phục trong vòng 3 tháng. Mất mùi là một triệu chứng rất đặc hiệu của Covid-19, 98% hồi phục trong vòng một tháng, một số nghiên cứu có thể ghi nhận lâu hơn, có khi kéo dài 6 đến 12 tháng. Tuy nhiên vẫn có một số ảnh hưởng khác lên hệ thần kinh.

Như vậy trong vòng một năm sau đợt nhiễm cấp tính, hầu hết những bệnh nhân xuất viện sẽ hồi phục tốt dần theo thời gian, có thể quay trở lại với cuộc sống và công việc như xưa, nhưng thể trạng sức khoẻ so ra thì vẫn yếu hơn so với dân số chung.

Tổn thương phổi lan toả và bất thường trên phim CTscan vẫn còn thường gặp tại thời điểm 12 tháng ở những bệnh nhân đã trải qua đợt bệnh cấp nặng phải nhập ICU trước đây. Song song đó, các dữ liệu cũng cho thấy rằng vẫn có một số bệnh nhân không thể phục hồi hoàn toàn (tỷ lệ đáng kể những triệu chứng vẫn còn dai dẳng sau một năm).

Tác giả: Thạch Thảo