Tiếp xúc gần với F0, có biểu hiện sốt, ho nhưng test mấy lần vẫn âm tính: Chuyên gia lý giải

( PHUNUTODAY ) - Rất nhiều người có các biểu hiện rõ ràng của việc nhiễm Covid-19, tuy nhiên khi test nhanh vẫn âm tính, chỉ khi test PCR mới ra.

Có nhiều trường hợp như vậy đã được đăng tải, gần đây nhất là trên báo VNE.

Xét nghiệm nhanh có thể âm tính giả do lấy mẫu sai cách, xét nghiệm quá sớm trong giai đoạn phơi nhiễm hoặc bộ kit kém nhạy cảm với Omicron.

Khi thấy con trai tiếp xúc với người nhiễm nCoV và có biểu hiện điển hình như sốt, ho, đau đầu, Ayesha Charagulla, sống tại San Jose, Mỹ để cậu bé xét nghiệm nhanh tại nhà. Kết quả nhiều lần cho ra âm tính.

Song khi cô đưa con đến trung tâm xét nghiệm PCR, cậu bé đuợc chẩn đoán mắc Covid-19.

"May mắn thay, chúng tôi đã cho con cách ly ngay từ những ngày đầu. Nhưng liệu có bao nhiêu học sinh đang đi học chung với con tôi dương tính virus biết mình mắc bệnh", Charagulla nói.

Charagulla và con trai không phải những người duy nhất có trải nghiệm này. Brittany Prock, 22 tuổi, ở Campbell xét nghiệm ba lần với ba kết quả khác nhau. Lần đầu kit thử cho thấy hai vạch mờ, lần thứ hai kết quả âm tính. Song xét nghiệm PCR cuối cùng xác nhận cô dương tính nCoV.

Đây là hiện tượng âm tính giả. Theo tiến sĩ Gerald W. Fischer, tỷ lệ âm tính giả phụ thuộc vào loại kit xét nghiệm và giai đoạn nhiễm nCoV. Thông thường, xét nghiệm PCR có độ nhạy cao và chẩn đoán chính xác hơn, song chi phí cao và thời gian chờ kết quả dài.

"Nếu virus đang trong giai đoạn đầu của quá trình nhân lên (tức là người bệnh xét nghiệm quá sớm), kit kháng nguyên cũng có thể cho kết quả âm tính giả", ông nói thêm.

Ông trích dẫn nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy tỷ lệ xét nghiệm âm tính giả ở người bệnh có triệu chứng là 20%, người không triệu chứng là 59%. Xét nghiệm PCR có tỷ lệ âm tính giả thấp hơn.

13

Nghiên cứu trước đó của Viện Johns Hopkins cũng chỉ ra rằng lấy mẫu quá sớm trong giai đoạn đầu mắc bệnh có thể dẫn đến kết quả sai. Một số bệnh nhân thao tác không đúng cũng gây ra âm tính giả.

Tiến sĩ Jaquelin Dudley, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm LaMontagne tại Đại học Texas, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc kỹ và làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Bà khuyến cáo người dân chờ một vài ngày sau khi tiếp xúc F0 rồi mới xét nghiệm, giúp giảm nguy cơ âm tính giả.

"Điều quan trọng nhất là xét nghiệm virus ở thời điểm nó đang sinh sôi nhiều nhất, cứ không phải lúc hệ miễn dịch kiểm soát được nó dưới ngưỡng dễ phát hiện", bà nói.

Tiến sĩ Fissher nhận định: "Khi thuốc kháng nCoV đường uống được chấp thuận, việc hạn chế số xét nghiệm âm tính giả là rất quan trọng đối với người bệnh có và không triệu chứng. Thuốc viên molnupiravir ngăn chặn virus tái tạo. Bệnh nhân càng được phát hiện sớm, thuốc càng hiệu quả trong việc giảm thiểu cả triệu chứng lẫn khả năng lây lan".

Hầu hết xét nghiệm kháng nguyên có thể phát hiện ca nhiễm biến chủng. Song có nghiên cứu chỉ ra rằng một số loại kit kém nhạy cảm hơn với Omicron, đặc biệt trong những ngày đầu mắc Covid-19.

Theo dữ liệu sơ bộ từ nghiên cứu đăng tải trên medRxiv với 700 người tham gia, một loại xét nghiệm nhanh phổ biến ở Mỹ phát hiện hơn 95% người nhiễm Omicron có tải lượng virus cao. Nhưng khi tải lượng virus thấp, nó bỏ sót khoảng 35% ca nhiễm.

Dữ liệu phát hành cuối tháng 12/2021 của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận xét nghiệm kháng nguyên vẫn hiệu quả với ca nhiễm Omicron, song độ nhạy đã giảm.

Thông báo này dựa trên dữ liệu của Đại học Emory, trực thuộc Viện Y tế Quốc gia. Nghiên cứu so sánh hiệu suất xét nghiệm nhanh dựa trên các mẫu Omicron và Delta. Bruce Tromberg, Giám đốc Viện Kỹ thuật Sinh học và Hình ảnh Y sinh Quốc gia của NIH, cho biết kit thử nhanh phát hiện biến chủng Omicron kém hơn Delta.

Theo thử nghiệm khác đăng tải trên medRxiv, ở những người có triệu chứng và được chẩn đoán nhiễm nCoV bằng PCR, kit xét nghiệm nhanh phải ba ngày sau mới cho kết quả dương tính. Song đây chỉ là công trình nhỏ, chưa được bình duyệt.

15

Có những người nhầm tưởng mình mắc Covid-19 vì các triệu chứng của nó gần giống với bệnh thông thường.

Sau hai năm sống trong dại dịch, cộng đồng có tâm lý sợ hãi và cảnh giác hơn với biểu hiện sốt, ho hoặc đau đầu. Các chuyên gia cho biết đây có thể là triệu chứng của cúm mùa, sốt virus hoặc các bệnh khác ngoài Covid-19.

"Khi trường học, công ty mở cửa trở lại, số người có triệu chứng giống với Covid-19 chắc chắn sẽ gia tăng. Cháu gái tôi gần đây biểu hiện giống nhiễm nCoV như đau họng, ngạt mũi và sốt. Song chúng có kết quả âm tính khi xét nghiệm cả kháng nguyên và PCR", tiến sĩ Fissher nói.

Janice Johnston đã tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự. "Các bệnh thông thường như cúm có triệu chứng trùng với Covid-19 là nhức cơ thể, sốt, ớn lạnh, ho, nhức đầu và ngạt mũi", bà nói. Bà khuyến khích người dân xét nghiệm thêm cúm, sốt virus nếu có triệu chứng kéo dài nhưng âm tính nCoV.

Các chuyên gia cho biết các F1 có triệu chứng không nên chủ quan dù đã xét nghiệm âm tính nCoV. "Nếu có biểu hiện bất thường, bạn nên ở nhà đến khi hết sốt và cảm thấy ổn hơn. Bạn có thể đi khám để được xét nghiệm, điều trị và kê đơn phù hợp", bà Johnston nói.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link