Mùng 10 Tết ngày vía Thần Tài, đặt thứ này lên bàn thờ để cả năm no đủ, tiền tài tíu tít

( PHUNUTODAY ) - Bạn có thể đặt thêm 5 củ tỏi và một Ông Cóc (Thiềm Thừ) lên bàn thờ Thần Tài để có thêm tài lộc.

Hai thứ nên đặt lên bàn thờ Thần Tài để có thêm tài lộc

Tỏi

Ngoài bàn thờ Gia Tiên, Ông Táo, nhiều gia đình buôn bán, kinh doanh còn có cả bàn thờ Thần Tài, Ông Địa tức là vị thần đem lại tiền tài, giàu có cho gia chủ.

Bàn thờ Thần Tài, Ông Địa thường ở một góc nhà, ở dưới đất, trước cửa ra vào để nghênh tiếp tài lộc, chứ không phải ở nơi sạch đẹp, trang trọng như ban thờ Tổ tiên hay bàn thờ Thổ Công.

Nhiều gia đình tuy đã lập bàn thờ Thần Tài từ lâu nhưng lại không hề biết rằng khi cúng, tốt nhất là gia chủ nên kèm theo 1 đĩa tỏi gồm 5 củ tươi nguyên, đẹp mắt, hoặc thậm chí cho cả bó tỏi cũng được.

Theo các chuyên gia phong thủy nên bày tỏi để có 2 vị thần dễ dàng bài trừ “các đạo chích vong binh” ám muội. Giúp đường tài vận của gia đình được hanh thông, gia đạo bình an hơn.

Thiềm thừ

Ngoài ra, các bạn cũng nên đặt một Ông Cóc (Thiềm Thừ) ở bên trái, nhớ ra sáng quay cóc ra, tối quay mặt cóc vào để tiền bạc và phúc khí không bị trôi ra ngoài.

Với hình tượng luôn ngậm đồng tiền trong miệng, Thiềm Thừ tượng trưng cho sự thịnh vượng, sung túc về tiền bạc, thuận lợi trong kinh doanh.

Ngoài tên gọi Thiềm Thừ, dân gian còn gọi cóc ba chân bằng rất nhiều tên khác nhau như cóc phong thủy, cóc ngậm tiền, cóc tài lộc, cóc chiêu tài,...

Theo quan niệm dân gian, Thiềm Thừ là hiện thân của tài lộc và may mắn, nên thường được đặt ở trong nhà, quầy lễ tân hoặc quầy thu ngân của nhiều công ty, doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp châu Á).

Cách bài trí bàn thờ cúng Thần Tài

Trong cùng bàn thờ, dán trên vách là một tấm bài vị. Sau lưng bàn thờ Thần Tài cần phải là vách tường chắc chắn, không được trổ cửa sổ hay đục lỗ vì làm vậy thì tài vận không tụ được.

Trong những trường hợp không thể đặt bàn thờ dựa lưng vào tường do phải chọn hướng thì cần tạo vách để tránh góc nhọn sau lưng bàn thờ và giúp bàn thờ nằm vững chắc. Hai bên, bên trái (nguyên tắc là từ ngoài nhìn vào) là ông Thần Tài, bên phải là Thổ Địa (thường bàn thờ Thần Tài thờ chung với ông Thổ Địa).

Ở giữa hai ông là một hũ gạo, một hũ muối và một hũ nước đầy. Ba hũ này chỉ đến cuối năm mới thay. Giữa bàn thờ đặt một bát nhang và cần tránh động bát nhang khi lau chùi bàn thờ.

Lọ hoa được đặt bên tay phải, đĩa trái cây bên tay trái. Hoa cúng Thần Tài nên là hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền. Trái cây nên chọn ngũ quả. Xếp 5 chén nước thành hình chữ thập để tượng trưng cho ngũ phương và ngũ hành phát sinh phát triển. Ông Cóc để bên trái, sáng quay Cóc ra, tối quay Cóc vào.

Ngoài cùng trên mặt đất, nên chọn một cái bát hoặc đĩa sâu sứ hoặc thuỷ tinh thật đẹp, đổ đầy nước và rắc những cánh hoa hồng trên mặt (đĩa hoa này biểu trưng cho việc giữ tiền bạc khỏi trôi đi). Bên trên bàn thờ Thần Tài, có thể đặt thêm tượng Phật Di Lặc. Di Lặc Phật Vương sẽ quản lý và ngăn chặn các vị thần làm điều sai trái.

Tác giả: Vũ Ngọc