Nhiều người lo ngại rằng muỗi có thể là vật trung gian lây nhiễm nCoV. Bởi loại côn trùng này sống gần người và lây truyền một số bệnh dịch ở người như: sốt xuất huyết, sốt rét.
Theo đó, PSG-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đã chia sẻ rằng: Ngay từ đầu dịch nCov, đã có nhiều ý kiến của người dân lo lắng về vấn đề trên. Vì thực tế, côn trùng sống gần người như muỗi (Aedes aegypti) được người dân gọi là muỗi vằn làm lây truyền virus gây bệnh sốt xuất huyết tại nhiều tỉnh, thành trong nước.
Tuy nhiên, PGS-TS Trần Đắc Phu lưu ý, cùng là bệnh do virus gây nên, nhưng sốt xuất huyết là bệnh lây qua đường máu và trung gian truyền bệnh là muỗi mang virus (Dengue) gây bệnh.
Còn nCov gây bệnh cũng có nguyên nhân do virus (SARS-CoV-2) nhưng lại lây qua đường hô hấp.
Ông Phu nói: “Do đó, muỗi đốt không làm lây nCov, vì nCov chỉ lây qua đường hô hấp, không lây qua đường máu”.
Theo chuyên gia, cho đến thời điểm này, chưa có bằng chứng cho thấy rằng SARS-CoV-2 có thể lây truyền qua muỗi đốt. Tuy nhiên, mỗi người dân vẫn cần phải phòng muỗi đốt như: Mắc màn khi ngủ, dùng kem xua muỗi, diệt bọ gậy... để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm các bệnh khác do muỗi truyền.
Cũng theo Bộ Y tế thì nCov có thể lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người qua các đường lây:
- Lây qua tiếp xúc, như: Tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm như: bắt tay, ôm hôn. Tiếp xúc gián tiếp (chạm tay vào các bề mặt nhiễm virus) rồi đưa lên miệng, mắt, mũi của mình.
- Lây qua giọt bắn: Khi tiếp xúc gần (dưới 2 m) với người bệnh (nói, ho, hắt hơi tạo ra các giọt có chứa virus bắn vào mắt, mũi, miệng hoặc hít phải các giọt này).
- Lây qua không khí: Trong môi trường kín, thông khí kém, khi thực hiện chăm sóc y tế có tạo những hạt nhỏ (aerosol) chứa vi rút lan theo không khí và có thể lây nhiễm nếu hít phải.
Mỗi người cần phải tránh tiếp xúc gần với những người đang bị ho hoặc hắt hơi...để bảo vệ chính mình.
Mọi người cũng nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc bằng dung dịch rửa tay có cồn để phòng tay chạm vào bề mặt chứa virus rồi lại cho lên mắt, mũi, miệng.
Tác giả: Thạch Thảo
-
4 thực phẩm giúp làm giảm tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19
-
Nhiều người lo virus lây qua thực phẩm, có cần xịt khuẩn không: Chuyên gia BV Chợ Rẫy giải đáp
-
Tỉnh duy nhất chưa có F0 ở Việt Nam: Chiến lược 'đi trước một bước' khiến virus chịu thua
-
Người tiêm đủ 2 mũi vắc xin nếu nhiễm nCoV có nguy cơ qua đời không: Chuyên gia trả lời
-
Uống nước dừa sau khi tiêm phòng rất tốt nhưng uống theo cách này lại có hại