Người bán hoa quả sẽ không bao giờ HÉ RĂNG cho bạn biết: Sự thật về quả phật thủ nhà nào cũng thờ cúng?

( PHUNUTODAY ) - Ngoài những quả quen thuộc như chuối, táo, cam, thanh long, xoài… thì quả phật thủ là một loại quả đặc biệt từ hình dáng cho tới ý nghĩa. Phật thủ tuy không ăn được nhưng lại trở thành loại quả được ưa chuộng, không thể thiếu trên bàn thờ. Tại sao lại như vậy?

1. Nguồn gốc của phật thủ

Theo nghiên cứu, cây phật thủ được những người theo Đạo Phật mang từ Ấn Độ sang Trung Quốc và sau đó du nhập vào Việt Nam. Loại cây cho ra thứ quả kì lạ này trước đây chỉ trồng được ở những vùng núi cao như Tuyên Quang, Yên Bái nhưng bây giờ còn trồng nhiều nơi khác, đặc biệt có nhiều ở xã Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội).

Trái phật thủ có nhiều kích cỡ, khi chín vỏ vàng, sần sùi, có mùi thơm. Thế nhưng điều kì diệu nhất ở nó chính là những “ngón tay” nhỏ dài khiến người ta liên tưởng tới bàn tay của Đức Phật. Ngoài để thắp hương mâm cúng thì quả phật thủ còn có thể dùng làm thuốc, làm mứt, làm nến…

Hiện nay, đã xuất hiện không ít nơi bán cây phật thủ cảnh (phật thủ bonsai) rất quý. Theo phong thủy, khi để cây này trong nhà sẽ giúp gia chủ đón khách, thu hút may mắn, mang lại thịnh vượng, tài lộc không ngừng.

2. Ý nghĩa quả phật thủ

Theo phân tích của TS.Nguyễn Văn Vịnh (Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục) thì loại quả này mang ý nghĩa phật giáo. Từ ngoại hình, quả phật thủ trông giống như hoa sen (biểu tượng tâm linh). Ngoài ra, nó còn giống “ngón tay Phật”, những ngón tay được đưa ra, hơi cong, chụm lại như bông hoa.

Loại quả này trong đời sống tâm linh mang hình tượng cao quý, mang đến bình yên, phước lành cho gia chủ. Do đó, các gia đình thường chọn phật thủ để trưng bày mâm cúng ngày lễ Tết với mong muốn một năm mới an lành, vui vẻ, nhiều tài lộc. Ngoài ra, theo quan niệm xưa, mùi thơm của loại quả này còn có tác dụng quyến rũ, lưu lại trong nhà lâu hơn, giúp phù hộ cho gia đình cả về tài vận lẫn sức khỏe.

Như vậy, dù con người không trực tiếp ăn được như các loại trái cây khác nhưng phật thủ dùng để thắp hương với ý nghĩa tâm linh, mang nét đặc sắc của đạo phật. Chính vì ý nghĩa thật sự đó nên mỗi gia đình cũng nên tùy thuộc vào hoàn cảnh của mình để quyết định có nên thờ cúng trái phật thủ hay không.

3. Cách chọn quả Phật thủ thờ để phát lộc cả năm

Chọn Phật thủ nhiều tai

Trái Phật thủ đẹp phải nhiều ngón tay, thông thường mỗi quả có 20-30 ngón tay. Các ngón tay tỏa tròn đều xếp thành nhiều vòng như hình bông hoa, ngón của vòng ngoài cùng trùng với các số đẹp sẽ có giá trị. Khi chọn mua quả Phật thủ, nên chọn quả to, ngón tay của Phật thủ càng nhiều, dài mập, các ngón đều nhau. Bạn cũng nên chú ý chọn quả có da trơn cật, màu hơi mờ vàng là quả già để được lâu và thơm hơn.

Tuân theo quy luật "Thịnh – Suy – Bĩ – Thái"

Người chơi Phật thủ thường đếm các ngón của quả, song khi đếm phải tuân theo quy luật: Thịnh – Suy – Bĩ – Thái. Nghĩa là sẽ đếm các ngón quả lần lượt theo 4 từ trên, lặp đi lặp lại, nến ngón cuối cùng rơi vào chữ Thịnh hoặc Thái thì rất quý. Những quả như thế này thường rất đắt, tầm khoảng chục triệu một quả, vì cả vườn hàng nghìn quả may ra chỉ được 1 đến 2 quả.

Mua quả có bên ngoài đẹp

Tránh mua quả bị xước sát, bị sâu đục khoét, bị dập hoặc gãy các ngón Phật thủ. Không chọn Phật thủ non dù chúng cũng có màu vàng nhưng lại rất nhanh hỏng. Một quả Phật thủ trưởng thành thì các túi tinh dầu tròn trịa, cách đều nhau, căng mọng, bề mặt quả rắn và cứng.

Tác giả: Mộc