Người đang hưởng lương hưu mắc bệnh nan y có được trợ cấp xã hội hằng tháng?

( PHUNUTODAY ) - Trong trường hợp người đang hưởng lương hưu nhưng mắc bệnh nan y có được lĩnh thêm tiền trợ cấp xã hội hàng tháng không?

Một số trường hợp về hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động, về già lại mắc bệnh ung thư nên gặp rất nhiều khó khăn về mặt tài chính. Liệu trong trường hợp này, họ có được lĩnh tiền trợ cấp xã hội hằng tháng do bệnh nan y không?

Người đang hưởng lương hưu có được trợ cấp xã hội hằng tháng?

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 20/2001/NĐ-CP ngày 15.3.2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thì người bị bệnh nan y không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.

Để được hưởng trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật thì người đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật làm hồ sơ theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 01/2014/TT-BLĐTBXH ngày 2.1.2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo quy định của pháp luật. Nếu được xác định là người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng thì thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 51 Luật người khuyết tật thì người khuyết tật đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì không được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Như vậy, nếu người dân đã hưởng chế độ hưu trí thì không thể hưởng trợ cấp xã hội.

Đề xuất tăng tiền trợ cấp xã hội hằng tháng từ 1/7/2024

Thực tế cho thấy, tiền trợ cấp xã hội hiện nay ít so với nhu cầu đời sống người dân, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được giao nghiên cứu xây dựng, sửa đổi Nghị đinh số 20 với đề xuất hai phương án tăng mức trợ cấp, hiện đang tổng hợp để hoàn thiện báo cáo Chính phủ.- Phương án 1: Nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng, mức này tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Với phương án này thì số kinh phí thực hiện mỗi năm sẽ khoảng 37.000 tỷ đồng, tăng hơn so với mức quy định hiện tại là gần 10.000 tỷ đồng. Dự kiến nếu phương án này được thực hiện từ ngày 1/7/2024, thì năm 2024 ngân sách nhà nước cần bố trí thêm khoảng 4.700 tỷ đồng.

- Phương án 2: Nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng/người/tháng lên 750.000 đồng, tương đương 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Với mức chuẩn trợ giúp xã hội là 750.000 đồng, thì tổng kinh phí thực hiện mỗi năm khoảng 54.000 tỷ đồng, ngân sách nhà nước bố trí tăng thêm khoảng 26.000 tỷ đồng/năm. Dự kiến nếu thực hiện từ ngày 1/7/2024, năm 2024 ngân sách nhà nước bố trí thêm khoảng 13.000 tỷ đồng.

Hiện phương án Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu để trình Chính phủ là, ngoài tăng mức trợ cấp từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng/người/tháng theo phương án 1, dự kiến sẽ bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội gồm: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không có người nuôi dưỡng; trẻ em dưới 3 tuổi và người cao tuổi từ 75 – 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nếu như tăng mức trợ cấp như trên và mở rộng thêm 3 nhóm đối tượng thì kinh phí tăng thêm trong năm 2024 dự kiến khoảng 17.000 tỷ đồng. Do còn liên quan đến tiêu chí xác định đối tượng, tác động, nguồn kinh phí nên Bộ tiếp tục lấy ý kiến của Bộ Tài chính để xem xét, thống nhất phương án đề xuất. Sau đó, sẽ sớm trình Chính phủ để ban hành trong năm 2024.

Tác giả: Vũ Thêm