Người xưa căn dặn: 'Nghèo không sửa cửa, giàu không dời mộ', điều đó nghĩa là gì?

( PHUNUTODAY ) - Câu nói 'nghèo không sửa cửa, giàu không dời mộ' thực chất có ý nghĩa như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Theo quan niệm của người xưa, cửa chính là bộ mặt của căn nhà, là nơi đón vượng khí, tài lộc. Trong khi đó, phần mộ tổ tiên là nơi thể hiện sự tưởng nhớ, tấm lòng thành kính, biết ơn của con cháu với ông bà, gia tiên. Bất cứ thứ gì liên quan tới hai khu vực này đều có tác động đến cuộc sống của gia đình.

Vì sao nghèo không sửa cửa?

Cổ nhân cho rằng cửa chính là bộ mặt của căn nhà, là vị trí hút tài lộc vô cùng quan trọng, giống như việc nói "nhà cao cửa rộng" để chỉ sự giàu sang, phú quý của một gia đình.

Tuy nhiên, người xưa cũng khuyên rằng nhà nghèo không nên sửa cửa bởi vốn dĩ đã nghèo lại tiêu tiền chỉ để làm cái cửa rộng thì cũng vô nghĩa. Việc này chẳng giúp nghênh đón tài lộc, vượng khí vào nhà mà chỉ tăng thêm áp lực kinh tế của gia chủ.

Do đó, thay vì chỉ thay đổi vẻ bề ngoài, tốt nhất mọi người nên tập trung vào việc học hỏi, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để thay đổi bản thân, tìm cơ hội thoát nghèo.

Vì sao giàu không dời mộ?

Về nghĩa, câu này được hiểu là khi có của ăn của để, điều kiện kinh tế khá giả thì đừng nên di dời phần mộ tổ tiên. Theo quan niệm của người xưa, gia đình hưng thịnh, giàu có một phần là nhờ sự phù hộ, che chở của tổ tiên. Gia đình ngày một vượng phát chứng tỏ phần mộ tổ tiên đang rất tốt, ở nơi có phong thủy đẹp, là âm trạch hiếm có.

Do đó, gia chủ dù có điều kiện phát đạt, kiếm được nhiều tiền của cũng không nên tùy tiện di dời mộ tổ tiên.

Thời gian trôi đi, cuộc sống và xã hội có sự biến đổi rất nhiều. Ngày nay, chúng ta rất khó để nhận định xem câu nói "Nghèo không sửa cửa, giàu không dời mộ" là đúng hay sai. Ngoài ra, việc tin hay không tin vào những kinh nghiệm của cổ nhân này thực ra cũng tùy thuộc vào tư tưởng và quan niệm của mỗi người.

* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

Tác giả: Thanh Huyền