‘Nhân sinh có độ, chín quá hóa ngẫu’: Muốn sống thọ tuổi Trời thì cần phải biết tiết chế 4 điều sau

( PHUNUTODAY ) - Trên đời này cái gì quá cũng không tốt, cốt là ở chừng mực. Vì thế, muốn sống lâu vẫn minh mẫn, khỏe mạnh thì nhớ lấy 2 từ “tiết chế”.

Tiết chế cảm xúc

Cổ nhân dạy: Phẫn nộ thì tổn thương gan, phấn khích tổn thương tâm, tương tư tổn thương lách, ưu phiền tổn thương phổi, lo âu tổn thương thận.

Ngày nay có nhiều căn bệnh phát sinh từ tâm lý không ổn định, những căn bệnh này thường đến do tâm không tĩnh, quá lo âu, muộn phiền mà sinh ta. Phật giáo giảng “Nhìn thấu, buông bỏ, thanh tịnh, tự tại”, người sống trên đời để được bình yên, tự tại thì nên học cách buông bỏ, tiết chế cảm xúc của chính mình. Có như thế, lòng mới mới thanh thản, tuổi thọ mới được lâu.

Đời người ai cũng có những lúc không như ý muốn, nhưng chỉ khi ta làm chủ được cảm xúc của chính mình, biết cân bằng mọi thứ xung quanh thì ta mới là người chiến thắng.

Tiết chế công việc, nghỉ ngơi hợp lý

Một người quá bận rộn hay nhàn rỗi đều không tốt. Nếu quá bận rộn thì cơ thể bị bào mòn về tinh thần và sức khỏe. Nhưng nếu quá nhàn rỗi thì cuộc sống sẽ vô vị, sống mà không cảm nhận được niềm vui. Thế nên bạn cần phải biết cân bằng giữa công việc và chế độ nghỉ ngơi, giải trí hằng ngày.

Chúng ta nên nhớ, mục đích kiếm tiền là để có một cuộc sống vui vẻ, đủ đầy và hạnh phúc. Tiền là công cụ chứ không phải là tất cả của đời người, vì thế đừng vì quá mải mê kiếm tiền mà quên đi việc hưởng thụ cuộc sống, quên chăm sóc bản thân và cuộc sống xung quanh mình.

Tiết chế xử thế

Người quân tử khi giao tiếp với người khác đều có sự tiết chế, chừng mực, khiến người đối diện thấy được phép lịch sự của mình. Phàm ở đời, làm việc hấp tấp quá thì dễ hỏng việc, chậm chạp quá lại dễ lỡ việc. Vì thế, làm việc gì cũng nên bình tĩnh, ung dung để đạt được kết quả tốt nhất.

Mỗi quan hệ giữa người với người cũng hết sức mong manh. Nếu như không biết giữ chừng mực khi xử thế thì dù hai người có thân thiết đến đâu cũng rất dễ trở thành hai kẻ xa lạ. Còn nếu biết được sự tiết chế trong giao tiếp, xử sự khéo léo, linh hoạt thì người dù có gặp lần đầu cũng rất dễ kết thân.

Tiết chế việc ăn uống

Việc ăn uống vô tội vạ, ăn uống không có chừng mực sẽ gây hại cho dạ dạy. Thời nay có cuộc sống đủ đầy mà nhiều người không biết cách tiết chế đồ ăn thức uống hằng ngày, ăn quá nhiều chất bổ dẫn đến dư thừa. Dục tốc thì bất đạt, cái gì quá cũng không tốt. Vì thế, để bảo vệ tốt hệ thống tiêu hóa, giữa được sức khỏe ổn định, không bị bệnh tật thì ta cần biết cách tiết chế, kiểm soát chế độ ăn hằng ngày của mình.

Tác giả: Truy Nguyệt