Người dân sử dụng thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh nhưng không phải ai cũng hiểu ý nghĩa của dãy mã số, ký tự nằm trên thẻ.
Vậy ý nghĩa của dãy ký tự trên thẻ BHYT là gì?
1. Hai ký tự đầu (ô thứ nhất) của mã thẻ BHYT
Hai ký tự đầu (ô thứ nhất): được ký hiệu bằng chữ (theo bảng chữ cái latinh), là mã đối tượng tham gia BHYT. Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì mã đối tượng ghi trên thẻ BHYT là mã đối tượng đóng BHYT được xác định đầu tiên theo quy định tại Khoản 7, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT.
Đối tượng tham gia BHYT được chia thành 5 nhóm:
- Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, đơn cử như:
+ DN: Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.
+ HX: Người lao động làm việc trong các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã.
+ CH: Người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức xã hội khác.
- Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, đơn cử như:
+ HT: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
+ TB: Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
+ NO: Người lao động nghỉ việc đang hưởng chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng, đơn cử như:
+ QN: Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại Ban Cơ yếu Chính phủ; học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách Nhà nước theo chế độ, chính sách như đối với học viên Quân đội;
+ CA: Sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sỹ quan, chiến sỹ nghĩa vụ đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách Nhà nước;
- Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, bao gồm:
+ CN: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo;
+ HS: Học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
+ SV: Sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
+ GB: Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của pháp luật;
- Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình
GD: Người tham gia BHYT theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình, trừ đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d nêu trên.
2. Ký tự tiếp theo (ô thứ 2) của mã thẻ BHYT
Ký hiệu trên thẻ thể hiện mức tiền được hưởng khi khám chữa bệnh
Hiện mức hưởng của người tham gia đã được mã hóa ở ký hiệu in trên thẻ BHYT. Theo đó mã thẻ BHYT gồm 15 ký tự, được chia thành 4 ô. Trong đó, ký tự tiếp theo (ô thứ 2): được ký hiệu bằng số (theo số thứ tự từ 1 đến 5) là mức hưởng BHYT. Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì mức hưởng BHYT ghi trên thẻ BHYT là mức hưởng của đối tượng có quyền lợi cao nhất.
- Ký hiệu bằng số 1: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán dịch vụ kỹ thuật; chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: CC, TE.
- Ký hiệu bằng số 2: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: CK, CB, KC, HN, DT, DK, XD, BT, TS.
- Ký hiệu bằng số 3: Được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: HT, TC, CN.
3. Hai ký tự tiếp theo (ô thứ 3) của mã thẻ BHYT
Hai ký tự tiếp theo (ô thứ 3): được ký hiệu bằng số (từ 01 đến 99) là mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi phát hành thẻ BHYT (theo mã tỉnh, thành phố ban hành kèm theo Quyết định 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam và Công văn 628/TCTK-PPCĐ ngày 06/8/2009 của Tổng cục Thống kê về việc thông báo mã số danh mục hành chính mới). Riêng mã của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng được ký hiệu bằng số 97, của Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân được ký hiệu bằng số 98.
4. Mười ký tự cuối (ô thứ 4) của mã thẻ BHYT
Mười ký tự cuối (ô thứ 4): là số định danh cá nhân của người tham gia BHXH, BHYT quy định tại Quyết định 1263/QĐ-BHXH ngày 21/11/2014 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành và quy định quản lý, sử dụng hệ thống danh mục dùng chung, chỉ tiêu báo cáo ngành Bảo hiểm xã hội.
Được thanh toán số tiền lớn nếu thẻ BHYT ghi tham gia 5 năm liên tục
Theo Luật BHYT sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định từ ngày 1-1-2015, các trường hợp có thẻ BHYT đã tham gia BHYT từ đủ 5 năm liên tục kể từ ngày tham gia và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì sẽ được cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” và được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các lần khám chữa bệnh tiếp theo.
Khi được cấp giấy chứng nhận này, người tham gia BHYT không phải thanh toán phần cùng chi trả 5% hoặc 20% chi phí KCB (chỉ áp dụng đối với trường hợp đi KCB đúng tuyến).
Như vậy, nếu bệnh nhân N.V.A. năm 2018 phải đồng chi trả trong 1 hoặc nhiều đợt điều trị số tiền là 7.800.000 đồng (1.300.000 đồng x 6 tháng lương cơ sở) thì các đợt điều trị kế tiếp của năm 2018, bệnh nhân sẽ được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh, bất kể chi phí này là tiền triệu hay tiền tỷ.
10 số cuối mã thẻ BHYT là mã số BHXH
Theo quy định mới tại Quyết định 595/QĐ-BHXH, đối với thẻ BHYT được cấp theo mẫu mới thì 10 số cuối của thẻ BHYT chính là mã số bảo hiểm xã hội (BHXH) của người tham gia.
Như vậy khi tra cứu thông tin, người tham gia bảo hiểm có thể sử dụng thông tin ở thẻ BHYT để tra một số thông tin về BHXH của mình. Việc thống nhất mã số sổ BHXH và mã thẻ BHYT sẽ tạo thuận lợi cho việc quản lý và quyền lợi của người tham gia.
Một điều thuận lợi cho người sử dụng bảo hiểm y tế là: Khi các cơ sở khám chữa bệnh, nếu người dùng phát hiện trên thẻ bị sai thông tin cơ sở khám chữa bệnh không được phép yêu cầu bệnh nhân quay về đổi thẻ BHYT. Thay vào đó, cơ sở khám chữa bệnh phải liên hệ với bộ phận giám định thẻ BHYT của cơ quan BHXH nơi ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT để xác minh.
Tác giả: Vũ Ngọc
-
Những đối tượng được hưởng 100% chi phí khám bệnh sau khi đóng BHYT 5 năm liên tục
-
2 đối tượng được tăng lương trước thời hạn, người dân nên biết để tránh thiệt thòi
-
Viên chức có được hưởng biên chế suốt đời không? Quy định mới ra sao?
-
Thay đổi về tuổi nghỉ hưu năm 2023 của người lao động
-
Từ 20/10: Tăng lương trợ giúp viên pháp lý lên tới gần 12 triệu đồng/tháng