Những người cần cẩn trọng khi tiêm vắc-xin Covid-19

( PHUNUTODAY ) - Những người có các biểu hiện dưới dây cần được khám sàng lọc kỹ trước khi tiêm chủng Covid-19.

Những người cần cẩn trọng khi tiêm vắc-xin Covid-19

Tuổi trẻ đưa tin, theo hướng dẫn tạm thời việc khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của Bộ Y tế, các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng phải được khám sàng lọc kỹ gồm:

- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác;

- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định;

- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi;

- Người trên 65 tuổi;

- Người có tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu

- Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống như mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút, huyết áp tối thiểu dưới 60 mmHg hoặc trên 90 mmHg và huyết áp tối đa dưới 90 mmHg hoặc trên 140 mmHg, nhịp thở dưới 25 lần/phút hoặc SpO2 < 94% (nếu có).

Những nhóm đối tượng nên trì hoãn tiêm chủng vắc-xin Covid-19

Bên cạnh đó, hướng dẫn của Bộ Y tế cũng đề cập đến những đối tượng nên trì hoãn tiêm vắc-xin bao gồm:

- Người đang mắc bệnh cấp tính, sốt hoặc mạn tính đang tiến triển và chưa kiểm soát được;

- Người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù;

- Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị;

- Người mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng;

- Phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đưa ra nhóm chống chỉ định tiêm vắc-xin Covid-19 là những người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất cứ dị nguyên nào, có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

Các phản ứng sau tiêm vắc-xin Covid-19

Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, các phản ứng rất phổ biến sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca chiếm 10% trường hợp được tiêm, bao gồm đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt, ớn lạnh (rất phổ biến là sốt nhẹ và phổ biến là sốt từ 38 độ C).

Các phản ứng phổ biến chỉ chiếm từ 1% đến dưới 10% bao gồm sưng, đỏ tại vị trí tiêm.

Cần theo dõi ít nhất 7 ngày sau khi tiêm vắc-xin Covid-19

Nhân viên tiêm chủng khám sàng lọc kỹ và sẵn sàng thuốc chống sốc ngay tại bàn tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; hướng dẫn người nhà hoặc đối tượng tiêm theo dõi chặt chẽ sau khi tiêm chủng trong vòng 24 giờ và tiếp tục theo dõi ít nhất 7 ngày sau tiêm chủng.

Cần thông báo cho nhân viên y tế nếu có các dấu hiệu bất thường sau:

- Trong vòng 1-2 ngày đầu sau khi tiêm vắc-xin: choáng, hoa mắt chóng mặt, bồn chồn; run tay chân, vã mồ hôi, da tái, ớn lạnh; miệng ngứa, sưng môi/lưỡi; tê mặt, tê bì tay chân, co quắp tay chân; da ngứa, phát ban, mẩn đỏ toàn thân, phù mặt; buồn nôn, nôn, nôn khan, đau bụng, tiêu chảy; tức ngực, khó thở, khò khè, cảm giác nghẹt thở; huyết áp tăng hoặc tụt, mạch nhanh, nổi hạch.

- Trong 4-28 ngày sau khi tiêm vắc-xin: đau đầu dai dẳng, dữ dội; các triệu chứng thần kinh khu trú: yếu, liệt tay chân; co giật, nhìn mờ hoặc nhìn đôi; khó thở hoặc đau ngực; đau bụng dai dẳng; đau, phù chi dưới; chảy máu, xuất huyết da, đi ngoài phân đen...

Tác giả: Thanh Huyền