Nỗi ám ảnh của bác sĩ trực tiếp cứu chữa 18 bệnh nhân bị sốc phản vệ ở Hòa Bình

( PHUNUTODAY ) - Sở Y tế Hà Nội yêu các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, tiếp nhận điều trị người chạy thận nhân tạo từ Hòa Bình chuyển về.

"Tôi chính là người đã trực tiếp cấp cứu cho cả 18 bệnh nhân khi có dấu hiệu sốc phản vệ và khi chứng kiến từng bệnh nhân tử vong, tôi cảm thấy đau đớn như chính người thân của mình vậy" - Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Công Tình chia sẻ.

Thèm được khóc

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Công Tình - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình - tâm sự, từ sau khi xảy ra sự việc đến nay, anh vẫn không thể ăn uống gì.

Bác sĩ Tình cho biết: "Với ai chứ bệnh nhân chạy thận toàn là những người gắn bó lâu năm, có người từ ngày đầu thành lập đơn nguyên, người mới cũng gắn bó từ 1- 2 năm nên khi bệnh nhân qua đời, bác sĩ cảm thấy đau đớn vô cùng.

Tôi chính là người đã trực tiếp cấp cứu cho cả 18 bệnh nhân khi có dấu hiệu sốc phản vệ và khi chứng kiến từng bệnh nhân tử vong, tôi cảm thấy đau đớn như chính người thân của mình vậy".

 18 bệnh nhân bị sốc phản vệ khi đang chạy thận, trong đó 7 người đã tử vong. Ảnh: VNexpress.

Với bệnh nhân chạy thận, họ lấy bệnh viện làm mái nhà thứ hai. Thế nên, tâm lý bệnh nhân như trầm cảm, chán nản ra sao, muốn từ bỏ lọc máu để về nhà chờ chết như thế nào... các bác sĩ đều nắm bắt được. Lúc đó, không ai khác ngoài bác sĩ phải động viên để bệnh nhân đến viện và lọc máu và kéo dài thêm tuổi thọ cho mình.

Chính vì thế, khi sự việc xảy ra, các gia đình bệnh nhân vẫn rất chia sẻ với bệnh viện, với các bác sĩ. Đây chính là điều động viên rất lớn cho bác sĩ lúc này.

Ngoài ra, đồng nghiệp nhiều nơi cũng gọi điện về thăm hỏi, chia sẻ với các anh về sự cố đau lòng này.

Thạc sĩ Tình tâm sự, anh chỉ mong được khóc một cơn thật to để giải toả tâm lý nhưng vì dưới anh còn có nhiều đồng nghiệp. Nếu anh chùn bước thì không ai còn tâm trí làm việc, nên mọi người đều động viên nhau. Nhưng những ám ảnh này chắc chắn thật khó để bác sĩ quên đi.

Được biết hiện 10 bệnh nhân khác đã được chuyển về bệnh viện Bạch Mai Hà Nội để điều trị

Hôm nay (30/5), Sở Y tế Hà Nội có văn bản gửi các bệnh viện trong và ngoài công lập về việc tiếp nhận bệnh nhân chạy thận nhân tạo của Bệnh viện đa khoa Hòa Bình chuyển về sau tai biến y khoa khiến 18 bệnh nhân bị sốc phản vệ khi đang chạy thận, trong đó 7 người đã tử vong.

 Một trong số 18 bệnh nhân bị sốc phản vệ sau khi chạy thận đang điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Bệnh viện Thận Hà Nội là nơi thường trực tiếp nhận bệnh nhân chạy thận nhân tạo được chuyển từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình về và điều phối người bệnh đến các đơn vị mạng lưới, nếu cần. Bệnh viện cần xây dựng kế hoạch rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình lọc máu tại tất cả các đơn vị mạng lưới; tổ chức tập huấn quy trình chuyên môn cho các đơn vị trong mạng lưới.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu 4 bệnh viện khác là Hòe Nhai, Đống Đa, Thanh Nhàn, Hà Đông chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, sẵn sàng tiếp nhận điều trị người chạy thận nhân tạo từ Bệnh viện đa khoa Hòa Bình chuyển về.

Các đơn vị thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo cần rà soát lại quy trình chuyên môn, kỹ thuật, kiểm tra lại máy móc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao và thực hiện đúng hướng dẫn quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận trước khi sử dụng cho người bệnh, tránh để xảy ra các tai biến y khoa./.

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Trang