Nữ biên kịch phim 'Sống chung với mẹ chồng' bày chiêu cho các nàng dâu 'cơm lành, canh ngọt' với mẹ chồng?

( PHUNUTODAY ) - Nữ biên kịch phim "Sống chung với mẹ chồng" Đặng Thiếu Ngân đã có những chia sẻ về cuộc sống của chính bản thân cô với mẹ chồng người Hàn Quốc. Bên cạnh đó, cô cũng bày cách cho các nàng dâu trong việc "sống chung với mẹ chồng".

Mới đây, nhà biên kịch Đặng Thiếu Ngân đã có những chia sẻ về mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu của mình ở ngoài đời. Có lẽ, chính những xung đột, cách cư xử của mẹ chồng – nàng dâu của cô đã phần nào được tái hiện lại trong phim một cách chân thật và sinh động.

Trước thắc mắc của rất nhiều khán giả, thực tế làm dâu của biên kịch Đặng Thiếu Ngân như thế nào mà lại có kịch bản "Sống chung với mẹ chồng nghiệt ngã như thế nào, nữ biên kịch đã chia sẻ: "Dù ở gần, ở xa, dù sống với mẹ chồng nhiều hay ít, thì mẹ chồng vẫn luôn luôn là mẹ chồng, không có chuyện ‘xa thơm gần thối'. Tuy nhiên, ở lâu với mẹ chồng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề gây bức xúc hơn, bởi khoảng cách lứa tuổi, bởi mỗi người có cuộc sống riêng.

Khi xem Sống chung với mẹ chồng, chắc hẳn nhiều chị em đều tìm thấy hình ảnh người quen, đồng nghiệp, hàng xóm… ở những chi tiết trong phim. Chỉ có các bạn trẻ chưa va phải thực tế lấy chồng nên các bạn cho là cường điệu hóa, cho là có những cái vô lý mà thôi".

 Nhà biên kịch Đặng Thiếu Ngân

Mẹ chồng của Đặng Thiếu Ngân là người Hàn Quốc. Bà cũng được xem là người khó tính hơn những bà mẹ Hàn Quốc khác. Nữ biên kịch đã học được cách thích nghi để ‘sống chung với mẹ chồng' dù là khoảng thời gian sống chung dài hay ngắn.

Theo Thiếu Ngân, mẹ chồng cô là người giỏi trong công việc nội trợ, nữ công gia chánh. Gia thế của bà cũng thuộc hàng 'khủng'. Bản thân cô là người Mường nhưng lại có kinh tế khá vững cùng sự nghiệp ổn đinh. Tuy nhiên, mẹ chồng ở xa, sẽ không thể hiểu hết được cụ thể về mọi phương diện của cô. "Suy nghĩ của bà kiểu con trai mình thì ở thành phố mà lấy vợ ở tận Mường. Thực tế Ngân cũng được chào đón như 1 cô con dâu từ Mường, cái gì cũng ‘ngơ'"- nữ biên kịch cho biết.

Trước những khoảng cách như vậy, Đặng Thiếu Ngân cũng chỉ có thể chấp nhận và cố gắng. Vì quan điểm từ đầu của cô là sẽ lựa theo cuộc sống mới, không biết thì phải học. Ví dụ bị chê gọt táo xấu, bày biện không đẹp thì cô chỉ cười và nói sẽ cố gắng học và sửa dần.

Lấy ví dụ cụ thể về bà mẹ chồng khó tính, Đặng Thiếu Ngân đã đưa ra những chi tiết rất sinh động và ‘chiêu' xử lý riêng của mình, cô học cách thích nghi thay vì cãi lại. Theo biên kịch chia sẻ, mẹ chồng cô có quan điểm rất văn minh là không nên ăn nhiều, chỉ nên ăn vừa. Thời gian nữ biên kịch mang bầu bé thứ nhất, tối naofcoo cũng khóc vì đói. Do mỗi bữa Thiếu Ngân chỉ ăn 1 bát cơm. Mỗi bữa ăn, thành viên trong gia đình chồng cô ai cũng chỉ ăn 1 lượt xới nên nếu cô ăn 2-3 bát thì tự mình cũng ái ngại. Lúc đầu, Đặng Thiếu Ngân hơi "choáng" và bất ngờ, tuy nhiên cô nghĩ 'nhập gia tùy tục' nên cố gắng lựa theo thói quen của nhà chồng.

"Thêm sự vụ nữa, vào bữa ăn, mình luôn là người cho con mình ăn. Khi con mình ăn xong thì cả nhà cũng ăn xong, mình lại đi rửa bát. Sau đó cả nhà đi ra ngoài chơi thì mình đi theo mà cũng chưa kịp ăn gì. Khi ra đường, mình phải vừa bế con, vừa mang túi đồ đựng đồ trẻ con. Mình đưa túi đó cho chồng mang. Một lúc sau đi về bà cầm cả túi đồ đó phi vào người mình. Bà nói việc đó là việc của phụ nữ, chứ không phải việc của chồng.

Mình hơi sững sờ trước hành động đó. Mình nhớ bố mẹ từng giáo dục mình là không gây mâu thuẫn. Nên mình cũng không có gì bất mãn. Mình chỉ cầm lại cái túi và nói: "Vâng, về sau con sẽ cầm" - biên kịch Đặng Thiếu Ngân tâm sự.

Cô cho biết thêm, thực lòng cô không hề vui và rất tức giận. Tuy nhiên, cô không tỏ thái độ cũng như không sưng sỉa mặt mũi, càn không "ghi sổ thù vặt" hay gì cả. Cô hiểu rằng tấm lòng người mẹ, mẹ chồng nào cũng yêu con họ vô cùng, người ta hy sinh tất cả cho đứa con thành đạt, coi con mình là số một. Hoặc có thể người ta chưa ưa mình thì mình phải chịu. Quan trọng là làm sao mình nỗ lực để đến lúc nào mẹ chồng cô sẽ tự nói với chồng cô cầm túi cho cô. "Đừng bao giờ nghĩ sẽ giận mẹ chồng. Mình làm chưa tốt thì phải làm cho tốt. Mình thật lòng muốn mẹ chồng cười, vì bà rất ít cười. Khi mình làm cho bà cười được thì mình cũng thấy nhẹ nhõm" - nữ biên kịch chia sẻ.

 Nữ biên kịch khuyên các nàng dâu khi về nhà chồng nên biết thích nghi thay vì cãi cọ, nên vui vẻ chấp nhận thay vì than vãn và đối đầu.

Đồng thời, Đặng Thiếu Ngân quan niệm: Không có cuộc hôn nhân nào dễ dàng cũng như không có cuộc hôn nhân nào thơ mộng và toàn một màu hồng. Nếu cô dâu nào thích nghi được thì sẽ thành công, sẽ vui vẻ thay vì bị stress. Bản thân biên kịch cũng không có tình cảm với mẹ chồng như mẹ đẻ, bởi theo cô, đó là hai tình cảm, hai mối quan hệ hoàn toàn khác nhau mà không thể chỉ nói là làm được. Cô làm những việc mình thấy cần phải làm. Đó là bổn phận, nghĩ vụ, quyền lợi của mình.

Đặc biệt, nhà biên kịch Đặng Thiếu Ngân "mách nhỏ" với các nàng dâu rằng nên có "của ăn của để" trước khi về nhà chồng. Bằng kinh nghiệm của mình, cô cho rằng mẹ chồng nào cũng có cái lý khi "soi xét" con dâu. Tuy nhiên, các cô con dâu về nhà chồng cũng phải biết mình nên có gì và cần làm gì, ít nhất là những điều tối thiểu.

Cô chia sẻ, bà mẹ chồng nào cũng có điểm tốt. Không điểm tốt này thì cũng có điểm tốt khác. Những người mà Thiếu Ngân đã gặp, khi đánh giá, nhận xét về người yêu của con trai họ, người ta thường nhìn vào một số điều kiện cơ bản để xem cô gái đó có hợp với con trai mình không. Nữ biên kịch nhấn mạnh, điều mà Thiếu Ngân nói ở đây là có hợp hay không chứ không phải có xứng hay không. Và với quan điểm cá nhân của biên kịch thì con gái nên có những thứ để phòng thân còn xấu hay đẹp thì các bà mẹ chồng cũng không để ý lắm.

Thiếu Ngân "mách nhỏ" các nàng dâu trước khi kết hôn nên có chút vốn, "của ăn của để" của riêng mình. 

"Còn nếu muốn ‘ngon lành cành đào', mọi thứ theo ý mình thì phải độc lập, gia thế không được kém. Học thức cô đừng tồi, về nhà chồng đừng về tay không. Còn nếu về tay không thì sẽ không được chào đón. Ngân không nói tất cả đều như thế, Ngân chỉ suy từ mình và những người gần nhất với mình, về những trường hợp mà Ngân biết.

Nếu như mình đi về nhà chồng mà mình có cái gì đó của mình thì sự cân nhắc của mẹ chồng, những ứng xử của mẹ chồng sẽ nhã hơn rất nhiều. Ngân không có ý định nói xấu mẹ chồng, nhưng Ngân sau này cũng thế thôi. Nếu con dâu của Ngân mai sau học giỏi, gia đình có của hồi môn cho nó, nó độc lập thì sau này mình cũng phải nể nó, cũng phải hạ giọng với nó. Còn nếu con trai mình làm ra tiền, cô ấy không có gì cả, cô ấy thua kém thì dĩ nhiên mình nhìn nó ở tầm dưới rồi.

Qua điều đó thì có thể thấy, nếu nàng dâu không có gì, thì cuộc sống ban đầu nó không tuyệt với lắm'. Tuy nhiên, cuộc sống về sau thì lòng tốt, ứng xử mới quyết định, tiền bạc không phải là tất cả" - biên kịch Đặng Thiếu Ngân chia sẻ thêm.

Sau tất cả, biên kịch Sống chung với mẹ chồng khẳng định, nàng dâu muốn 'lấy lòng' chồng và mẹ chồng, thay vì đối đầu với mẹ chồng thì nên sống phải đạo, bỏ bớt "cái tôi", biết nhường nhịn, khéo léo: "Trong quan hệ gia đình, mình càng phải đạo, càng ứng xử khéo thì chồng và mẹ chồng càng nể, ngược lại thì không".

Tác giả: Phạm Nguyễn Ngọc Trang